Cử tri của quận Bình Thạnh đề nghị các cơ quan lập pháp rà soát lại các luật hiện có để chỉnh sửa những sơ hở liên quan đến công tác từ thiện, tránh trục lợi cá nhân và những bất cập.
Sáng 7/10, các đại biểu đơn vị số 2, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, có buổi tiếp xúc cử tri quận 1, quận 3 và quận Bình Thạnh. Các đại biểu tới dự buổi làm việc gồm có ông Đỗ Đức Hiển, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp; bà Trần Kim Yến, Bí thư Quận ủy quận 1 và ông Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TPHCM.
Đại diện cho người dân 3 quận trung tâm TPHCM, các cử tri bày tỏ sự quan tâm và đóng góp nhiều ý kiến cho Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố về các vấn đề chính sách, pháp luật để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh cho người dân. Đặc biệt, các cử tri mong muốn chính quyền có các quyết sách cụ thể giúp thành phố cùng cả nước từng bước khôi phục kinh tế sau đợt bùng phát dịch.
Doanh nghiệp gánh nhiều chi phí để duy trì
Là người phát biểu đầu tiên tại buổi làm việc, ông Đặng Quốc Hùng, cử tri phường Nguyễn Cư Trinh (quận 1), đặt vấn đề, đợt dịch vừa qua đã để lại nhiều hậu quả cho mọi mặt đời sống xã hội. Trong đó, việc sản xuất, kinh doanh tại nhiều nơi bị đình trệ, nguồn vốn còn lại của nhiều doanh nghiệp rất hạn hẹp.
Tuy nhiên, để duy trì hoạt động, các doanh nghiệp cần chi rất nhiều khoản tiền trong đợt bùng phát dịch vừa qua. Các chi phí xét nghiệm định kỳ, đảm bảo đời sống, sinh hoạt người lao động đối với đơn vị áp dụng "3 tại chỗ", "một cung đường 2 địa điểm" khiến giá thành các sản phẩm tăng cao, ảnh hưởng đến cạnh tranh thị trường, đặc biệt đối với hàng xuất khẩu.
Cử tri quận 1 góp ý về phương hướng phục hồi sản xuất, kinh doanh tại TPHCM thời gian tới (Ảnh: Quang Huy).
Từ những lý do trên, ông Đặng Quốc Hùng đề xuất, cơ quan chức năng chỉ quy định test nhanh Covid-19 ngẫu nhiên và đối với những người nghi nhiễm tại doanh nghiệp. Ngoài ra, khi phát hiện có F0 tại khu vực sản xuất, doanh nghiệp sẽ được phép tiếp tục hoạt động nếu đảm bảo cơ sở cách ly, tránh việc đóng cửa cả dây chuyền khiến công việc bị đình trệ.
Cử tri Trương Thị Mỹ Dung, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận 1, thông tin, đến nay, chỉ 30-40% doanh nghiệp trở lại sản xuất, kinh doanh. Để nâng cao khả năng tái tạo lại nguồn lực, doanh nghiệp, người lao động cần những nội dung, giải pháp cụ thể hơn trong thời gian tới.
"Trong thực tế, sau 4 tháng giãn cách, các doanh nghiệp rất vất vả khi phải đi kiếm đối tác, khách hàng, người lao động mới. `Trong khi đó, nhiều người lao động lại lâm vào cảnh mất việc vì dịch bệnh", bà Trương Thị Mỹ Dung nêu ra sự mâu thuẫn.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận 1 đề xuất, chính quyền thành phố ưu tiên tiêm bao phủ mũi 2 vaccine Covid-19 đối với công nhân để họ đủ điều kiện đi làm trở lại. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần được hỗ trợ để có các trạm y tế lưu động nhằm xử lý các tình huống liên quan đến dịch Covid-19 mà không ảnh hưởng đến quá trình hoạt động.
Ngoài ra, thành phố cần tính đến nhà ở xã hội, nhà giá rẻ, nhà lưu trú công nhân đối với người có thu nhập thấp. Những khu vực này cần đáp ứng những điều kiện cơ bản như nhà trẻ, phòng khám, khu vui chơi giải trí...
"Đây là tiền đề để khi thành phố mở lại, các doanh nghiệp bố trí nơi ở cho công nhân thuận tiện. Điều này còn giúp giảm nguy cơ bùng phát dịch tại khu nhà trọ chật hẹp như hiện nay", cử tri quận 1 chia sẻ.
Cần giám sát các hoạt động hỗ trợ, thiện nguyện
Đại diện cho người dân quận Bình Thạnh, ông Hoàng Tuấn, cử tri tại phường 22, nêu thực trạng, thời gian qua, xã hội đã nổi lên những tranh luận không đáng có liên quan tới các nghệ sĩ tổ chức quyên góp làm từ thiện. Các hoạt động từ ủng hộ đợt bão lũ tại miền Trung, đến việc ủng hộ, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch đều mang tính tự phát.
"Chính bởi việc quyên góp mang tính tự phát, cá nhân và không có tổ chức, những vấn đề lộn xộn đã phát sinh thời gian qua", ông Hoàng Tuấn nhìn nhận.
Các cử tri mong muốn có sự quản lý chặt chẽ đối với các hoạt động thiện nguyện.
Vị cử tri của quận Bình Thạnh đề nghị các cơ quan lập pháp rà soát lại các luật hiện có để chỉnh sửa những sơ hở liên quan đến công tác từ thiện, tránh trục lợi cá nhân và những bất cập. Một giải pháp nữa được cử tri này đưa ra là khi làm từ thiện, người thực hiện quyên góp cần xin phép cơ quan có thẩm quyền, công khai, minh bạch vấn đề tài chính.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, cử tri của quận 3, đánh giá, suốt thời gian qua, thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc chăm lo người lao động, người gặp khó khăn trong đại dịch. Sự chăm lo trên được làm kịp thời, đúng với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau.
Tuy nhiên, bà Yến cũng cho rằng, thành phố cần tăng cường giám sát chặt chẽ các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch. Những tài trợ, quyên góp của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để tránh tình trạng lợi dụng, gây bức xúc xã hội.
Quốc hội sẽ xem xét lại nhiều luật, dự án luật
Trả lời ý kiến cử tri, ông Đỗ Đức Hiển, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp, thông tin theo chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, các đại biểu sẽ xem xét thông qua 2 dự án luật, 3 dự thảo Nghị quyết. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến đối với 5 dự án luật.
Liên quan đến những bất cập về công tác thiện nguyện được cử tri đặt vấn đề, ông Đỗ Đức Hiển cho biết, các hoạt động thiện nguyện hiện nay được thực hiện theo Nghị định 64 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TPHCM, trả lời cử tri (Ảnh: Quang Huy).
Tuy nhiên, Nghị định này đã được Chính phủ ban hành từ năm 2008 và có nhiều điểm cần xem xét lại trong thời điểm này. Thời gian tới, ông Đỗ Đức Hiển cho biết sẽ kiến nghị Bộ Tài Chính nghiên cứu để sửa đổi các quy định, nghị định liên quan đến công tác thiện nguyện cho phù hợp với thực tế.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TPHCM, cho biết, trong quá trình từng bước phục hồi kinh tế, đầu tư công là một trong những vấn đề trụ cột và cần thúc đẩy. Việc giải ngân đầu tư công sẽ giúp không chỉ TPHCM mà cả nước giải quyết vấn đề việc làm, kích thích cung cầu.
Bên cạnh đó, các chính sách về giảm lãi vay ngân hàng, giãn nợ, giảm chi phí doanh nghiệp đang được các ngành tập trung giải quyết.
Phó Giám đốc Công an TPHCM cũng đánh giá, bên cạnh các chính sách cho doanh nghiệp, người lao động, vấn đề cấp thiết về nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội là điều được bộc lộ rõ trong đợt dịch vừa qua.
"Chúng ta kêu gọi ai ở đâu ở yên đó, nhưng nhiều người lao động nhà chật hẹp, không thể ở một chỗ cả ngày. Một trong những nguyên nhân gây lây lan dịch Covid-19 chính là từ các khu nhà trọ không đủ tiêu chuẩn", Đại tá Nguyễn Sỹ Quang nhận định.
Thời gian tới, thành phố sẽ tính toán các chiến lược về nhà ở xã hội, nhà cho công nhân đảm bảo các tiêu chuẩn tối thiểu. Điều này sẽ giúp TPHCM phòng ngừa tốt hơn khi có đợt bùng phát dịch Covid-19 tiếp theo.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/xa-hoi/cu-tri-tphcm-kien-nghi-gi-sau-on-ao-nghe-si-quyen-gop-tu-thien-20211007112956793.htm