Thực tiễn một tháng qua đã khẳng định việc chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch COVID-19 theo các Công điện của Thủ tướng Chính phủ là quyết định quan trọng, kịp thời, hiệu quả. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 được kiện toàn do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban, việc lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chuyên sâu , việc tổ chức thực hiện có hiệu quả đã giúp tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác phòng chống dịch trên cả nước, nhất là tại các tỉnh, thành phố phía nam.
Cũng như các nước trên thế giới, chúng ta cũng có lúc bị động, lúng túng vì biến chủng Delta cực kỳ nguy hiểm. Chủng mới, tình hình mới mà biện pháp cũ thì hiệu quả thấp. Điều quan trọng là chúng ta kịp thời phát hiện, điều chỉnh, bổ sung, không cầu toàn, không nóng vội. Việc chống dịch chưa có tiền lệ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện, mở rộng dần. Nhờ đó, tới nay, trên phạm vi cả nước, tình hình dịch vẫn đang được kiểm soát và có nhiều chuyển biến tích cực; trong 2 tuần gần đây, số ca mắc trong cộng đồng và số ca tử vong liên tiếp giảm.
Bài 1: Đúc rút kinh nghiệm sau gần 2 năm phòng chống dịch
Đích thân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhắc nhở, đôn đốc, kiểm tra đột xuất, trực tiếp hoặc trực tuyến, tới tận xã, phường tại những điểm nóng nhất về dịch bệnh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ngày 22/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành Công điện 1099/CĐ-TTg về việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Tiếp đó, ngay hôm sau (23/8), Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Công điện số 1102/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc.
Bước chuyển hướng chiến lược này được đưa ra trên cơ sở đúc rút, tổng kết kinh nghiệm sau gần 2 năm chống dịch và tham khảo kinh nghiệm của các nước, đồng thời phải bảo đảm phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Chúng ta chống dịch trong điều kiện bị động; hầu như toàn bộ trang thiết bị, máy móc, sinh phẩm, vaccine và thuốc chữa bệnh đều phải nhập khẩu; nền kinh tế còn khó khăn; các biện pháp công nghệ cũng chưa bảo đảm; việc phân cấp, phân quyền còn không ít bất cập.
Điểm nhấn đáng chú ý của các Công điện này là chủ trương: Lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” trong phòng, chống dịch. Người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân.
Theo các Công điện, các xã phường tại các địa phương đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách theo Chỉ thị 16 phải thực hiện bằng được, thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ trọng tâm: (1) Thực hiện nghiêm ngặt các quy định về giãn cách xã hội, “ai ở đâu ở đó”, nhất là việc phải thực hiện cách ly; (2) Đảm bảo an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc; (3) Đảm bảo mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại xã, phường, thị trấn; khi người dân có yêu cầu, phải đáp ứng kịp thời; (4) Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, an dân trên địa bàn; (5) Tuyên truyền, vận động để dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm, cùng với hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch tích cực, hiệu quả.
Việc phòng chống dịch là chưa có tiền lệ, phải vừa làm vừa điều chỉnh. Cũng trong 1 tháng qua, công tác kiểm tra, giám sát được đẩy mạnh. Đích thân Người đứng đầu Chính phủ đã nhiều lần nhắc nhở, đôn đốc, kiểm tra đột xuất, trực tiếp hoặc trực tuyến, tới tận xã, phường tại những điểm nóng nhất về dịch bệnh. Từ các căn cứ thực tiễn, Ban Chỉ đạo quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục có các chỉ đạo cụ thể để tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh các biện pháp phòng chống dịch.
Cụ thể, các địa phương phải xác định mục tiêu cụ thể cần đạt được khi phải thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội. Trong thời gian giãn cách xã hội phải kiểm soát được dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế, kiên quyết không để tình trạng giãn cách không triệt để, kéo dài mà không đạt được mục tiêu, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội và tâm lý, tình cảm, đời sống nhân dân.
Cùng với đó, giãn cách xã hội phạm vi nhỏ nhất, đến ấp, tổ dân phố; xét nghiệm phải thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch; phòng dịch vẫn là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; chống dịch phải quyết liệt, dứt điểm; phòng dịch tốt thì không phải chống dịch, một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch và nhất là sự mất mát về tinh thần, sức khỏe và tính mạng của người dân...
Những con số chứng minh hiệu quả
Những điều chỉnh trong chiến lược phòng chống dịch đã đem lại sự chuyển dịch tích cực về kết quả đạt được trên thực tiễn. Số liệu ngày 23/9 của Bộ Y tế cho thấy số tử vong trong 7 ngày vừa qua giảm 15,8 % so với tuần trước đó; riêng TP. Hồ Chí Minh giảm 18,4%, Bình Dương giảm 3%, Đồng Nai giảm 6,4%, Long An giảm 10%. Tại 23 địa phương thực hiện giãn cách, tình hình dịch đang từng bước được kiểm soát, số ca mắc trong 7 ngày giảm 10,7% so với 7 ngày trước. Đến 22/9/2021, số ca khỏi bệnh trên cả nước là 484.445 người (68% tổng số ca). Như vậy, trong vòng 1 tháng, đã có hơn 300.000 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, gấp 2 lần tổng số ca điều trị khỏi cả giai đoạn trước đó.
Một trong những nội dung của việc lấy xã phường là “pháo đài” là thiết lập trạm y tế lưu động
Trao đổi cụ thể về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Biến thể Delta lần này có đặc điểm sinh học rất khác biệt so với các biến chủng trước đó. Nồng độ virus trên dịch hầu họng của bệnh nhân cao gấp 1.000 lần so với biến thể trước. Thứ hai, tỉ lệ lây nhiễm bệnh rất cao, một người có thể lây sang 9-10 người, chu kỳ lây nhiễm sớm, chỉ sau 48 giờ nhiễm virus, lượng virus phát triển rất nhanh. Đặc biệt, trong thực tế, bệnh nhân có thể lây cho người khác mà không có dấu hiệu triệu chứng; người bệnh không có triệu chứng nhưng khi chuyển nặng lại rất nhanh…
Làm rõ những nội hàm được đưa ra tại các Công điện 1099 và 1102, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: Một trong những nội dung của việc lấy xã phường là “pháo đài” là thiết lập trạm y tế lưu động. Thực hiện việc này, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn về thành lập các trạm y tế lưu động tại tất cả xã, phường, thị trấn tại những nơi thực hiện Chỉ thị 16. Chức năng, nhiệm vụ cơ bản của các trạm y tế lưu động này là cung cấp dịch vụ y tế cho những người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng và những trường hợp cách ly tại nhà, tại cộng đồng; đồng thời cung cấp những dịch vụ sơ cấp cứu đối với những người mắc bệnh khác trong những khu vực này, giúp người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế nhanh nhất.
“Thực tế, thời gian vừa qua, các trạm y tế lưu động được triển khai rất hiệu quả tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương. Trạm y tế lưu động đã phát huy được hiệu quả cùng với hệ thống điều trị ở tầng 2, 3 trong tháp điều trị, góp phần giảm tỷ lệ tử vong”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, nếu không xét nghiệm thần tốc diện rộng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để phát hiện các F0 thì theo tính toán, Hà Nội đã có thể có hàng trăm nghìn ca nhiễm trong thời gian qua.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Xét nghiệm thần tốc diện rộng là đi trước chặn đầu sự lây lan của virus, nếu càng làm chậm thì virus càng lây lan mạnh
PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, riêng tại TP. Hồ Chí Minh, việc xét nghiệm từ ngày 19/7 tới nay đã trải qua 3 giai đoạn. Số liệu dịch tễ cho thấy trong giai đoạn 2 (không xét nghiệm diện rộng), số ca tử vong hằng ngày có xu hướng tăng lên cho đến đầu giai đoạn 3. Khi triển khai xét nghiệm diện rộng trong giai đoạn 3, phát hiện số ca dương tính lớn, tuy nhiên số ca tử vong bắt đầu có xu hướng giảm dần. PGS. Lê Thị Quỳnh Mai nhắc đến nhiều nguyên nhân như tăng cường năng lực y tế, người bệnh được tiếp cận y tế sớm, điều trị ngay tại xã, phường, thị trấn cho nên giảm số ca chuyển nặng. Cùng với đó, nhiều trung tâm hồi sức, bệnh viện dã chiến được thành lập, hỗ trợ rất nhiều trong điều trị bệnh nhân nặng nhờ đó tỷ lệ tử vong giảm xuống, đây là điều đáng mừng.
GS. TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đánh giá các biện pháp phòng chống dịch trong đợt 4 về giãn cách, an sinh, xét nghiệm, giảm tử vong, vaccine… xuyên suốt, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh, hiệu quả, mặc dù các biện pháp đưa ra khi diễn biến phía trước vẫn rất khó lường, khó dự liệu. Các biện pháp can thiệp trong thời gian qua đã giúp kéo giảm tử vong và cắt giảm dây chuyền lây truyền dịch.
Qua ước tính, các biện pháp can thiệp phòng chống COVID-19 áp dụng tại TP. Hồ Chí Minh từ tháng 5 đến tháng 9 đã giúp giảm hệ số lây truyền Rt (lây truyền theo thời gian) từ hơn 5 (1 F0 lây cho 5 người) xuống 1,03 (1 người lây cho khoảng 1 người) và đã phòng ngừa được 7,4 triệu ca nhiễm, 740.000 ca nhập viện và 55.000 ca tử vong so với tình huống không áp dụng Chỉ thị 16, tỉ lệ xét nghiệm thấp và tỷ lệ tiêm mũi 1 chỉ đạt 50% người trên 18 tuổi.
Ông Lân cho biết, các chuyên gia trên thế giới vẫn thường xuyên có các tranh cãi về việc áp dụng các biện pháp để bảo đảm hài hòa, cân bằng giữa bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người với vấn đề kinh tế. Hiệu quả của các biện pháp phải dựa trên mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, chi phí bỏ ra và tác động kinh tế, xã hội… Ông lấy ví dụ về việc Hà Nội xét nghiệm thần tốc diện rộng đã giúp rút ngắn thời gian giãn cách, giảm thiệt hại về kinh tế, làm người dân yên tâm. Theo ông, vừa qua, nếu Hà Nội không xét nghiệm diện rộng để giảm thời gian giãn cách xã hội thì chi phí toàn xã hội cho việc giãn cách sẽ lớn hơn rất nhiều so với chi phí để xét nghiệm.
Quyết sách quan trọng
Chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định: Phương châm được Thủ tướng nhấn mạnh trong Công điện 1099 là lấy xã, phường làm “pháo đài”, nhân dân là “chiến sĩ” rất phù hợp với tình hình thực tiễn chống dịch, vì khả năng giãn cách xã hội được tăng cường, người dân được tiếp cận nhanh nhất các dịch vụ y tế, dịch vụ an sinh xã hội, an ninh trật tự.
Việc xét nghiệm diện rộng đã xác định được các đối tượng F0 và có những hỗ trợ kịp thời về chăm sóc cũng như tư vấn người bệnh, như phát các gói thuốc, thuốc điều trị kháng virus tại nhà và các biện pháp chăm sóc, bảo đảm an sinh xã hội. Từ đó, giảm tỉ lệ cần phải nhập viện, giảm bệnh nhân nặng, nguy kịch chuyển lên tuyến trên.
“Xét nghiệm thần tốc diện rộng là đi trước chặn đầu sự lây lan của virus, nếu càng làm chậm thì virus càng lây lan mạnh”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.
Ông Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam: Điều chỉnh chiến lược phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ Việt Nam là quyết sách quan trọng
Đánh giá về điều chỉnh chiến lược phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ Việt Nam, ông Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, nhận xét “quá trình chuyển đổi này là quyết sách quan trọng”.
Nói thêm về việc Việt Nam chuyển hướng chống dịch từ tập trung sang kết hợp hài hòa giữa tập trung và phân cấp trong tổ chức thực hiện, chú trọng sử dụng nguồn lực ở cấp xã, phường, ông Kidong Park cho rằng: Bài học từ kinh nghiệm phản ứng với COVID-19 của các nước trên thế giới đã chỉ ra rằng, đoàn kết và bình đẳng là cách tiếp cận tốt nhất để chấm dứt đại dịch. Đại dịch sẽ không kết thúc cho đến khi và chỉ khi sự lây truyền trong cộng đồng được kiểm soát.
Do đó, điều này khiến tất cả các cấp và các ngành phải cùng nhau phối hợp chặt chẽ, từ cấp quốc gia đến cấp phường, xã. Toàn hệ thống phải đảm bảo sẵn sàng phát hiện các trường hợp lây nhiễm, cắt đứt các chuỗi lây truyền, chăm sóc người bệnh, và tiếp tục tiêm phòng cho người dân theo thứ tự ưu tiên.
“Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nên tiếp tục nguyên tắc chỉ đạo ứng phó với COVID-19 ở tất cả các cấp”, ông Kidong Park lưu ý, đồng thời khuyến nghị, khi tình hình được cải thiện, vẫn cần cảnh giác, tránh tự mãn, tiếp tục các biện pháp y tế cộng đồng và xã hội để kiểm soát sự lây lan của virus. “Đồng thời, Việt Nam cần đảm bảo hoạt động của các hệ thống phát hiện sớm, phản ứng nhanh, có mục tiêu trọng điểm. Hệ thống y tế phải chuẩn bị sẵn sàng đối phó với tình huống dịch bệnh gia tăng”.
Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam nhận định rằng, xét trên phạm vi toàn thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, COVID-19 sẽ tồn tại trong một thời gian nữa. Sự biến đổi của virus dưới các dạng biến thể mới cũng sẽ có khả năng diễn ra trong dài hạn, tiếp tục lây lan và gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân. Điều này càng làm cho việc giảm lây nhiễm trở nên quan trọng hơn, để virus có ít cơ hội đột biến.
Do đó, với Việt Nam, ông Kidong Park cho rằng, ngoài chủ trương tiếp tục tăng tỉ lệ bao phủ tiêm chủng, cần hạn chế lây lan của virus bằng biện pháp 5K. Cùng với đó là củng cố năng lực của hệ thống y tế nhằm phát hiện sớm ca bệnh, điều trị người bệnh và giảm tử vong.
“Tôi hiểu rằng Chính phủ hiện đang cố gắng xây dựng lộ trình để Việt Nam thích ứng an toàn, linh hoạt với COVID-19 và tích cực chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi đất nước sang một trạng thái bình thường mới”, ông Kidong Park nói và đưa ra khuyến nghị, Chính phủ cần xem xét, xây dựng lộ trình thực hiện linh hoạt các biện pháp ngăn chặn thiệt hại về xã hội, kinh tế và sức khỏe do đại dịch gây ra theo các ưu tiên sau:
Thứ nhất, các đối tượng là nhân viên y tế, người lớn tuổi, người mắc đồng thời nhiều bệnh cần được ưu tiên tiêm chủng càng sớm càng tốt.
Thứ hai, ưu tiên tiêm chủng cho các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt bùng phát dịch, những nơi hệ thống y tế và điều kiện cơ sở vật chất hạn chế.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp 5K tại gia đình, trường học, nơi làm việc, v.v…, cùng với các biện pháp tự bảo vệ của cá nhân, các giải pháp y tế công cộng để giảm sự lây truyền, ngay cả khi một số biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng.
Thứ tư, tăng cường hơn nữa năng lực hệ thống y tế để bao quát, điều trị tốt hơn các ca bệnh nặng, đồng thời đưa ra mô hình lộ trình chăm sóc phù hợp với các ca bệnh nhẹ và trung bình để tránh quá tải tại bệnh viện./.
Theo Báo Chính phủ
https://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Buoc-chuyen-huong-chien-luoc-quyet-dinh-hieu-qua-trong-phong-chong-dich/447590.vgp