Chi phí xét nghiệm của Tiền Giang đã giảm ngay 100 tỉ đồng khi đổi phương án, đưa quy mô xét nghiệm từ cấp xã xuống cấp ấp. Thông tin được thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu sáng 17-9.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì buổi làm việc của Tổ công tác đặc biệt Chính phủ với tỉnh Tiền Giang về công tác phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh: TIẾN LONG
Sáng 17-9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì buổi làm việc của Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ với tỉnh Tiền Giang về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Đổi quy mô từ xã xuống ấp
Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam gợi ý vẽ lại bản đồ nguy cơ dịch COVID-19 của Tiền Giang xuống đến ấp để có chiến lược xét nghiệm phù hợp.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết làm việc với lãnh đạo Tiền Giang và 11 tỉnh khác, ông nhiều lần chỉ đạo phải xây dựng phương án xét nghiệm bóc tách ca nhiễm COVID-19 (F0) đến tận ấp chứ không phải đến xã.
Theo đó, khi có ca F0 trong cộng đồng, các tỉnh khoanh vùng diện rộng nhưng sau đó phong tỏa diện hẹp để xét nghiệm sàng lọc.
Riêng tại Tiền Giang, ông Tuyên cho biết khi làm việc, tỉnh đưa ra hai phương án xét nghiệm: xét nghiệm quy mô xã và xét nghiệm đến quy mô ấp. Ông Tuyên đồng ý với phương án xét nghiệm đến ấp. Theo tính toán, phương án này đã tiết kiệm hơn 100 tỉ đồng so với phương án xét nghiệm đến cấp xã.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết phương án xét nghiệm như trên đã đạt một số kết quả tích cực. Cụ thể, từ ngày 27-2 đến 9-8, Tiền Giang có 3/11 huyện nguy cơ rất cao, 6/11 nguy cơ cao và 2 huyện bình thường mới. Nhưng đến 15-9 chỉ còn 3/11 huyện nguy cơ rất cao, 1 huyện nguy cơ cao và có đến 7 huyện bình thường mới.
Các doanh nghiệp trở lại sản xuất cần có phương án bảo đảm an toàn với tinh thần mỗi doanh nghiệp doanh nghiệp, nhà máy cũng là một pháo đài. Trong doanh nghiệp cũng cần tiếp tục chia nhỏ ra theo khu vực sản xuất, phân xưởng, ca kíp để quản lý sát từng công nhân, chủ động xử lý kịp thời khi có ca nhiễm.Tiền Giang cần phối hợp với TP.HCM để đưa người lao động của tỉnh quay trở lại thành phố làm việc an toàn.
Phó thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM
Ông Nguyễn Vũ Thượng - phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, tổ trưởng hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại tỉnh Tiền Giang, cho biết trước ngày 15-8, Tiền Giang có 1.006 ấp. Trong đó có 124 ấp nguy cơ rất cao, 195 nguy cơ cao, 252 nguy cơ và 459 bình thường mới.
Qua đánh giá giữa mức độ nguy cơ và yếu tố dịch tễ, tỉnh đưa ra hai phương án xét nghiệm. Phương án 1, xét nghiệm theo quy mô xã cần gần 824.000 test, với 383 đội xét nghiệm. Phương án 2, xét nghiệm theo quy mô ấp cần khoảng 497.000 test và chỉ cần tổ chức 264 đội.
Việc lựa chọn xét nghiệm theo phương án 2 đã tiết kiệm 40% số lượng test và giảm 40% đội xét nghiệm và đạt những kết quả nhất định. Tính đến 15-9, Tiền Giang chỉ còn 27 ấp nguy cơ rất cao, giảm 6 lần so với trước đó. Số ấp nguy cơ cao còn 53, 194 ấp nguy cơ và 759 ấp bình thường mới, chiếm hơn 78% số ấp.
Rà soát chi tiết để giảm nguồn lực, chi phí xét nghiệm
Nghe đến đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá kết quả xét nghiệm cho thấy phương án xét nghiệm càng chi tiết càng giảm nguồn lực. Theo ông Đam, chủng Delta hầu như một người nhiễm là cả nhà nhiễm nên chỉ cần lấy mẫu đại diện, bằng mẫu gộp và lấy đi lấy lại nhiều lần.
Ông Đam hỏi: "Việc xét nghiệm mình đã làm tốt từ quy mô cấp xã xuống ấp, bây giờ còn 27 ấp nguy cơ rất cao có thể xuống đến cấp tổ được không?. Ông Nguyễn Vũ Thượng cho rằng có thể làm được.
Theo ông Thượng, có thể dựa trên mức độ giao lưu của các F0 được phát hiện để khoanh vùng, rà soát đến tận quy mô tổ dân phố để xét nghiệm tầm soát thay vì khoanh cả ấp, không chỉ tiết kiệm sinh phẩm, nhân lực mà còn rút ngắn thời gian xử lý dứt điểm ổ dịch.
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, tỉnh Tiền Giang cần nỗ lực tiếp để cố gắng giữ "pháo đài" xã, phường, thị trấn càng quy mô, chi tiết, càng sát tới từng thôn ấp tổ dân phố, khu phố thì càng tốt.
Từ đó để đánh giá nguy cơ và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, kể cả xét nghiệm sát với thực tiễn.
"Tiến tới chống dịch là phải quản lý được sức khỏe thực tế của từng cá nhân, từng gia đình, từng đơn vị nhỏ nhất", ông Đam nói.
Ông Đam đề nghị Tiền Giang tập trung xét nghiệm mỗi ngày/lần ở khu phong tỏa để 5-7 ngày sàng lọc hết F0.
Theo Viễn Sự - Tiến Long/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/doi-quy-mo-xet-nghiem-rieng-tien-giang-giam-ngay-100-ti-dong-20210917142228551.htm