Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi ý, Thanh Hóa nghiên cứu thí điểm chính sách thuế tài sản (thuế nhà ở) trên địa bàn tỉnh. Thuế nhà chỉ nên áp dụng thí điểm cho chính quyền đô thị lớn.
Sáng 16/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh việc xây dựng dự thảo nghị quyết nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị, trong đó đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước.
Một trong tám cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm đó là tỉnh Thanh Hóa được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của Tỉnh. Theo con số này, kinh phí ngân sách tỉnh được hưởng theo tỷ lệ 50% khoảng 443 tỷ đồng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Phát biểu tại buổi họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tán thành thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa. Theo Chủ tịch Quốc hội, tỉnh có khát vọng, tiềm năng trở thành một cực tăng trưởng phía Bắc, thậm chí là một trong những tứ giác phát triển (Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng và Thanh Hóa).
Bên cạnh góp ý trực tiếp về vào các cơ chế, chính sách đặc thù, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng gợi ý, Thanh Hóa nghiên cứu thí điểm chính sách thuế tài sản (thuế nhà ở) trên địa bàn tỉnh.
Dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thuế nhà ở chỉ phát huy tốt nếu áp dụng ở địa phương cụ thể, chứ không nên triển khai cả nước vì số thu thuế không lớn (khoảng 2.500 tỷ đồng) nhưng chi phí để thu thuế rất tốn kém.
"Thuế nhà chỉ nên áp dụng thí điểm cho chính quyền đô thị lớn. Thanh Hóa nên nghiên cứu thí điểm chính sách này ở khu vực đô thị để có thêm nguồn thu" - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi ý.
Một trong những cơ chế, chính sách đặc thù mà Chính phủ đề nghị là cho phép Thanh Hóa được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, nước ngoài của Chính phủ vay về cho vay lại... với tổng mức vay tối đa 60% thu ngân sách địa phương.
So với quy định tại Luật Ngân sách 2015 là 20%, mức vay của Thanh Hóa được đề nghị tăng thêm 40%. Theo tính toán của Bộ Tài chính, với mức dư nợ vay 20% hiện hành thì mức dư nợ vay tối đa của tỉnh là 2.636 tỷ đồng và dư nợ vay đến ngày 31/12 của tỉnh dự kiến là 718 tỷ đồng.
"Nếu nâng hạn mức dư nợ vay 60% tính theo dự toán năm 2021 thì mức dư nợ vay tối đa của tỉnh là 7.909 tỷ đồng thì Thanh Hóa mới đáp ứng đủ nhu cầu huy động trước nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng" - ông Dũng nhấn mạnh.
Ở góc độ cơ quan thẩm tra, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí, tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, "mức vay là khá cao". Theo quan điểm này, dự kiến mức tăng quá cao của Thanh Hóa có thể sẽ làm hạn chế dư địa vay đầu tư phát triển của các địa phương khác trong cả nước.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường, mức dư nợ vay tăng lên tối đa 60%, tương đương hơn 7.900 tỷ đồng là khá cao, cần tính toán thêm dựa trên mức độ cần thiết, phù hợp với khả năng trả nợ của một địa phương hiện vẫn đang nhận trợ cấp của Trung ương.
Theo Quang Phong/Dân trí
https://dantri.com.vn/xa-hoi/chu-tich-quoc-hoi-goi-y-thanh-hoa-thi-diem-thue-nha-o-20210916134236115.htm