Khoảng 23h ngày 14-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gọi điện thoại kiểm tra ông Phan Văn Tường (bí thư, chủ tịch UBND thị trấn Long Bình) và ông Lê Thanh Phương (phó chủ tịch UBND huyện An Phú, tỉnh An Giang).
An Giang yêu cầu huyện An Phú đẩy mạnh xét nghiệm tầm soát cộng đồng bóc tách F0 - Ảnh: BỬU ĐẤU
Trong điện thoại, Thủ tướng có hỏi: "Một huyện đỏ quạch như thế này mà không triển khai trạm y tế lưu động là sao? Cái này phổ biến bao nhiêu ngày rồi?". Thủ tướng cũng cho biết đã điện thoại cho chủ tịch tỉnh và yêu cầu tỉnh phải tập trung lực lượng cho An Phú.
"Thủ tướng gọi trực tiếp cho tôi"
Ông Phan Văn Tường cho biết khuya 14-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gọi điện thoại cho ông để kiểm tra xoay quanh công tác phòng chống dịch khi Long Bình đang có 485 ca nhiễm COVID-19. "Mấy anh em chỉ huy bị cách ly nên Thủ tướng gọi số điện thoại bàn không ai nghe máy. Sau đó, Thủ tướng gọi điện thoại trực tiếp cho tôi" - ông Tường kể.
Ông Tường nói Thủ tướng đã chỉ đạo rất sát thực tế với 3 nội dung: phải xét nghiệm 2 ngày/lần, thành lập trạm y tế lưu động và phải tổ chức giãn dân. Theo ông Tường, Sở Y tế mới ký văn bản triển khai thành lập trạm y tế lưu động vào ngày 12-9 thì tối 14-9 Thủ tướng gọi kiểm tra. Việc thành lập trạm y tế lưu động phải do huyện hỗ trợ mới thực hiện được. Còn việc giãn dân và di dời dân ra khỏi khu dân cư nghèo thì phải do huyện và tỉnh tính toán mới thực hiện được chứ địa phương không thể làm được.
Ông Ngô Công Thức - bí thư Huyện ủy An Phú - cho biết thị trấn Long Bình và xã Khánh An đang thực hiện chỉ thị 16 nhưng 2 khu vực bị phong tỏa tại thị trấn Long Bình có mật độ dân số dày đặc, hộ nghèo, khó khăn, nhà san sát nhau (khu dân cư nghèo). Lực lượng công an đã vào khu vực phong tỏa này để cài cắm lực lượng, kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng người dân ra đường hay tụ tập. "Người lớn thì không ra khỏi nhà nhưng trẻ em sống ở khu vực này hay chạy qua chạy lại. Đây là nguồn lây, nguy cơ rất lớn đối với khu vực này", ông Thức nói. Còn theo ông Tường, khu dân cư này đã tầm soát cộng đồng từng người 5 lần rồi nhưng vẫn chưa tách hết F0.
Thường trực Tỉnh ủy - UBND tỉnh An Giang đã có buổi làm việc khẩn vào sáng 15-9 tại huyện An Phú cùng thị xã Tân Châu, TP Châu Đốc và huyện Phú Tân để chấn chỉnh tình hình. Trao đổi với Tuổi Trẻ ngay sau cuộc làm việc của Thủ tướng với các địa phương, ông Nguyễn Thanh Bình - chủ tịch UBND tỉnh, trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang - cho biết ông đã yêu cầu chính quyền huyện An Phú kiên quyết thực hiện giới nghiêm đối với người dân khu vực phong tỏa, không để trẻ em qua lại.
"Nếu vùng xanh nào trở thành vùng đỏ thì lãnh đạo địa phương đó sẽ bị xử lý nghiêm. Riêng huyện An Phú và Phú Tân có các xã thực hiện chỉ thị 16 thì phải thực hiện giới nghiêm" - ông Bình nói thêm.
5 yêu cầu chống dịch mới
Tối 14-9, Thủ tướng cùng 4 bộ trưởng tiếp tục trao đổi trực tuyến với lãnh đạo 6 phường xã đang có diễn biến dịch phức tạp để kiểm tra công tác phòng chống dịch tại những địa bàn này, gồm: phường Rạch Sỏi, thành phố Rạch Giá; xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương của tỉnh Kiên Giang; xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè; xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo của tỉnh Tiền Giang; phường An Hòa, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp và thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang.
Sau buổi họp, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế trong sáng 15-9 phải có công điện gửi tất cả các tỉnh thành đang thực hiện chỉ thị 16 về việc thực hiện giãn cách phải có mục tiêu cụ thể, rõ ràng và phải đạt được mục tiêu. Theo đó:
- Khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội phải xác định được phạm vi, quy mô giãn cách theo nguyên tắc ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể (thôn, xóm, tổ, ấp, khu phố…). Xác định mục tiêu thực hiện giãn cách là phải kiểm soát dịch nhanh nhất có thể (trong thời gian 14 ngày) và triển khai quyết liệt.
- Thần tốc xét nghiệm là then chốt, quan trọng nhằm sớm kiểm soát dịch.
- Tập trung lực lượng lấy mẫu cho các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao; chia nhỏ điểm lấy mẫu, tổ chức nhiều đội lấy mẫu.
- Thành lập và triển khai ngay các trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao.
- Thực hiện liên tục việc đánh giá nguy cơ để quyết định việc giãn cách và nới lỏng giãn cách. Việc nới lỏng giãn cách phải thực hiện từng bước, chắc chắn và phải tiếp tục xét nghiệm tầm soát theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/cuoc-goi-luc-nua-dem-cua-thu-tuong-20210915231837202.htm