Theo Phó Ban Nội chính Trung ương, nếu phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì báo cáo ngay cho Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN.
Chiều 5/8, chủ trì cuộc họp báo thông tin về kết quả phiên họp thứ 20 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng diễn ra sáng cùng ngày, ông Nguyễn Thái Học - Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, phiên họp được tổ chức trong tình hình khá đặc biệt khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
"Quá trình tham mưu chuẩn bị phiên họp chúng tôi cũng rất lo. Tình hình Covid-19 như thế có họp được không? Cuối cùng Tổng Bí thư - Trưởng ban chỉ đạo, chỉ đạo vẫn tổ chức phiên họp nhưng phải đảm bảo nghiêm ngặt yêu cầu về phòng chống dịch bệnh. Tất cả các đại biểu phải được kiểm tra Covid-19 trước 3 ngày vào họp. Lần đầu tiên phiên họp có hai phòng họp, một phòng họp trực tiếp và một phòng họp trực tuyến"- ông Học cho hay.
Ông Nguyễn Thái Học - Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương thông tin tại cuộc họp báo (Ảnh: T.K).
Chỉ đạo quyết liệt, khởi tố mới nhiều vụ án
Thông tin về nội dung phiên họp, ông Nguyễn Thái Học cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với trên 70 tổ chức đảng, trên 8.000 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 180 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái và hơn 20 đảng viên bị kỷ luật do vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập.
Đáng chú ý nhất là Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thành lập 14 đoàn kiểm tra, trong đó có 10 đoàn kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các tổ chức đảng, đảng viên liên quan đến án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Qua kiểm tra xử lý, kiến nghị xử lý kỷ luật một tổ chức đảng trực thuộc Trung ương, 7 cán bộ diện Trung ương quản lý và nhiều cán bộ, lãnh đạo quản lý các doanh nghiệp nhà nước có sai phạm.
Ngành thanh tra, kiểm toán đã phát hiện sai phạm về kinh tế 54.474 tỷ đồng và 1.760 ha đất, kiến nghị xử lý tài chính gần 23.500 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi trên 7.000 tỷ đồng và 644 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 851 tập thể và 2.073 cá nhân.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ và giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành thanh tra đã phát hiện, xử lý 20 vụ, 35 đối tượng tham nhũng và có liên quan đến tham nhũng.
"Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, khởi tố mới nhiều vụ án, nhiều bị can. Trong đó có nhiều bị can là cán bộ cấp cao, thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo là không có vùng cấm, không có ngoại lệ" - ông Học nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thái Học dẫn chứng, 6 tháng đầu năm 2021, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố mới 1.850 vụ án/3.294 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong đó có 144 vụ án/384 bị can về các tội tham nhũng.
Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, từ sau Phiên họp 19 của Ban Chỉ đạo đến nay, đã khởi tố mới 7 vụ án/35 bị can, khởi tố thêm 55 bị can trong 10 vụ án; kết thúc điều tra 12 vụ án/111 bị can...
Đồng thời khẩn trương đưa ra xét xử kịp thời 4 vụ án trọng điểm: Vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Công ty Cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí Ethanol Phú Thọ và Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam; Vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên; Vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Bộ Công Thương và Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) liên quan đến dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, TPHCM; Vụ án "Buôn lậu; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan.
Phát hiện vi phạm thì báo cáo, chuyển ngay thông tin và hồ sơ
Lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở nhiều địa phương có chuyển biến tích cực, khắc phục dần tình trạng "trên nóng, dưới lạnh".
Các địa phương qua thanh tra, kiểm tra đã chuyển 80 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
"Các cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thi hành án, nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để lý, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật, không chờ kết thúc quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thi hành án"- ông Học nói về điểm mới trong cơ chế xử lý sai phạm.
Ông khẳng định, trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, nếu phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, thì báo cáo ngay cho Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng để kịp thời chỉ đạo xử lý. Đồng thời chuyển ngay thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của Đảng.
Theo Thế Kha/Dân trí
https://dantri.com.vn/xa-hoi/pho-ban-noi-chinh-trung-uong-noi-ve-diem-moi-trong-xu-ly-can-bo-vi-pham-20210805150311156.htm