Chiều 24/7, Quốc hội thảo luận Báo cáo tóm tắt về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020. Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ đọc Báo cáo tóm tắt của Chính phủ trước Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ đọc Báo cáo tóm tắt của Chính phủ trước Quốc hội chiều 24/7. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tăng cường giám sát, kiểm soát bội chi và vay nợ của ngân sách địa phương
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các giải pháp tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội như các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước (khoảng 123,6 nghìn tỷ đồng) để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Ngân sách trung ương tiết kiệm và cắt giảm dự toán ngân sách được khoảng 55.000 tỷ đồng, bằng 5% dự toán Quốc hội giao; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chi ngân sách nhà nước.
Hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư công đã được sửa đổi, phù hợp hơn với thực tiễn. Thủ tướng Chính phủ giao toàn bộ kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2020 một lần theo tổng mức vốn đã được Quốc hội quyết định; kiên quyết điều chuyển vốn từ bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp sang bộ, cơ quan, địa phương có nhu cầu về vốn và có tỷ lệ giải ngân cao góp phần vào kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt 86,7% kế hoạch, cao hơn năm 2019 và cao nhất trong giai đoạn 2011-2020; Giảm chi thường xuyên xuống còn 63,85%, chi đầu tư tăng lên 27,6% tổng chi ngân sách. Chính phủ đã ban hành 17 Nghị định, 01 Quyết định, 01 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, sử dụng tài sản công giúp cho việc mua sắm, sử dụng tài sản công tiết kiệm, hiệu quả hơn.
Năm 2020, ngành Thanh tra cả nước đã triển khai 187.426 cuộc thanh tra, kiểm tra; phát hiện vi phạm về kinh tế 86.369 tỷ đồng, 6.366 ha đất; kiến nghị thu hồi nộp Ngân sách Nhà nước 23.843 tỷ đồng và thu hồi 830 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 62.526 tỷ đồng, 5.536 ha đất.
Việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, với hệ thống pháp luật về quản lý đất đai tiếp tục được hoàn thiện, đã đưa hơn 63.000 ha đất chưa sử dụng vào các mục đích phát triển kinh tế xã hội; Chuyển dịch gần 76.000 ha đất cho phát triển hạ tầng, sản xuất kinh doanh, phát triển đô thị; đã thu hồi, hủy bỏ hơn 1.500 dự án, với diện tích gần 30.000 ha đất. Công tác quản lý khoáng sản, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng tiếp tục chuyển biến tích cực hơn.
Năm 2020 đã thực hiện tinh giảm biên chế gần 24.000 người. Công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử tiếp tục đạt được nhiều kết quả tốt, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí (khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm).
Bên cạnh những kết quả, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như một số bộ, ngành, địa phương chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 và chậm báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 so với thời hạn quy định. Hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thực hành tiết kiệm năm 2021
Đề cập đến nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết: Năm 2021, Chính phủ xác định phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”, trọng tâm chỉ đạo, điều hành là tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2276/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 về Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. Một số nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chủ yếu như sau:
Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên thiên nhiên; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm trật tự xã hội, phát triển kinh tế; phấn đấu đạt các mục tiêu kinh tế-xã hội được Quốc hội thông qua (tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng khoảng 6%, bình quân GDP đầu người khoảng 3.700 USD).
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các bộ, ngành, địa phương. Xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm cho từng lĩnh vực, gắn với công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên; phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đưa kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là tiêu chí đánh giá công tác thi đua, khen thưởng và bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bảo vệ người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí theo quy định của pháp luật.
Triển khai thực hiện có hiệu quả pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, gắn với công tác phòng chống tham nhũng. Nâng cao công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương; giữa các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện nghiêm việc công khai các hành vi lãng phí và kết quả xử lý hành vi lãng phí theo quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Theo Lê Sơn/Chinhphu.vn
http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Tiet-kiem-chong-lang-phi-la-tieu-chi-de-danh-gia-thi-dua-khen-thuong-va-bo-nhiem/439702.vgp