205
/
113538
Chính phủ nhanh chóng, khẩn trương xử lý công việc, bảo đảm liên tục, thông suốt
chinh-phu-nhanh-chong-khan-truong-xu-ly-cong-viec-bao-dam-lien-tuc-thong-suot
news

Chính phủ nhanh chóng, khẩn trương xử lý công việc, bảo đảm liên tục, thông suốt

Thứ 5, 22/07/2021 | 10:46:16
834 lượt xem

Ngay sau khi được kiện toàn, Chính phủ đã nhanh chóng ổn định, khẩn trương xử lý, giải quyết công việc, bảo đảm kế thừa, liên tục, thông suốt. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn so với cùng kỳ, các cân đối lớn được bảo đảm.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh báo cáo tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV sáng 22/7. Ảnh: VGP 

Sáng ngày 22/7, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, được sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ báo cáo một số nội dung chủ yếu về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2021 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.

Về tình hình quốc tế và trong nước, Chính phủ đánh giá kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi nhưng không đồng đều, thiếu bền vững. Các quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp tục chịu nhiều tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19 với biến chủng mới.

Trong nước, nhiều sự kiện chính trị quan trọng được tổ chức rất thành công như Đại hội lần thứ XIII của Đảng; kiện toàn nhân sự Nhà nước tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. 

Ngay sau khi được kiện toàn, Chính phủ đã nhanh chóng ổn định, khẩn trương xử lý, giải quyết công việc, bảo đảm kế thừa, liên tục, thông suốt; tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch COVID-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm đời sống của nhân dân, nhờ đó, tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm tiếp tục duy trì ổn định và đạt được kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. 

Thúc đẩy mọi biện pháp để có vaccine sớm nhất

Từ đầu năm, đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở châu Á, đặc biệt là các nước Đông Nam Á, với gần 200 triệu ca mắc, trên 4 triệu trường hợp tử vong.

Trong nước, đợt dịch thứ 4 với sự xuất hiện của chủng mới Delta có khả năng lây nhiễm nhanh hơn, nguy hiểm hơn, đã tác động mạnh đến một số tỉnh, thành phố phía bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội và nghiêm trọng đến vùng kinh tế trọng điểm phía nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh. 

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện và chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động hơn, quyết liệt hơn với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và "bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết"; chuyển trạng thái từ “phòng ngự” sang “tấn công” với chiến lược vaccine và phương châm “4 tại chỗ” đi đôi với tích cực kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp ngoại giao, thúc đẩy mọi biện pháp có thể để có vaccine sớm nhất, nhiều nhất và tổ chức chiến dịch tiêm chủng kịp thời, khoa học, an toàn, hiệu quả; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch. 

Đặc biệt, Chính phủ đã tích cực, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy mua, nghiên cứu, sản xuất và tiêm vaccine; thành lập Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 và đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và đồng bào ta ở nước ngoài, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong xã hội. 

Trong điều kiện khan hiếm vaccine trên toàn cầu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã vận động các quốc gia, tổ chức quốc tế bằng nhiều hình thức để tiếp cận, mua vaccine cho nhân dân.

Nhân dịp này, Chính phủ trân trọng cảm ơn đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, các cấp, các ngành, nhất là lực lượng tuyến đầu như y tế, quân đội, công an cùng các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể nhân dân luôn đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực khắc phục khó khăn, chung tay trong công tác phòng, chống dịch. 

Chính phủ cũng cảm ơn sự hợp tác chặt chẽ, sự giúp đỡ quý báu của các quốc gia, tổ chức, bạn bè quốc tế trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID -19.

Kinh tế tăng trưởng khá cao so với mặt bằng chung của thế giới

Theo Báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, là mức khá cao so với các nước trên thế giới.Nhiều địa phương có dịch nhưng tăng trưởng khá.

Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thị trường tiền tệ, tín dụng, tỉ giá, lãi suất ổn định. Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực, lũy kế 6 tháng đạt 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ.

Chi ngân sách được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, bảo đảm nhu cầu chi cho phòng chống dịch, an ninh, quốc phòng và các nhiệm vụ cấp bách khác. Cân đối ngân sách Trung ương được bảo đảm. 

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 6 tháng tăng 32,2% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 7,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt trên 9,2 tỷ USD, tăng 6,8%. 

Công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường; thương mại điện tử phát triển mạnh, trở thành kênh phân phối quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh, hỗ trợ tích cực cho tiêu thụ sản phẩm. 

Chính phủ đã đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; kiểm soát chất lượng tín dụng; bảo đảm an toàn hệ thống; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; đang tích cực tập trung xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, yếu kém. 

Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bảo đảm an ninh lương thực, là trụ đỡ của nền kinh tế trong khó khăn. Thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. 

Việc cơ cấu lại các ngành công nghiệp chuyển biến tích cực; công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; an ninh năng lượng được bảo đảm. 

Khởi công một số công trình trọng điểm và dự án đường bộ cao tốc; đẩy mạnh triển khai nhiều dự án kết cấu hạ tầng quan trọng quốc gia. Tập trung xây dựng, hoàn thiện các Đề án quy hoạch quốc gia chuyên ngành về giao thông vận tải, năng lượng. Phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, hàm lượng khoa học công nghệ cao, như công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng... 

Sửa đổi, bổ sung nhiều Nghị định, Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và tạo chuyển biến tích cực trong môi trường đầu tư, kinh doanh. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, doanh nghiệp thành lập mới tăng. 

Chính phủ cũng đã tổ chức nhiều hội nghị tháo gỡ, giải quyết theo thẩm quyền những điểm nghẽn, bất cập, vướng mắc tồn tại trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp. 

Rà soát, điều chỉnh danh mục các dự án đầu tư công theo hướng tập trung, ưu tiên có trọng tâm, trọng điểm; số dự án giai đoạn 2021-2025 dự kiến dưới 5.000, giảm mạnh so với các nhiệm kỳ trước. 

Chú trọng công tác an sinh xã hội

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ nỗ lực thực hiện tốt các chính sách người có công; đẩy mạnh các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”.

Công tác an sinh xã hội tiếp tục được chú trọng; đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số được cải thiện; đã kịp thời xuất cấp gạo cứu trợ đồng bào vùng khó khăn và trong thời kỳ giáp hạt; hỗ trợ người lao động, người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. 

Đồng thời, tiếp tục thực hiện các chính sách giãn, hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, giảm giá điện, nước, dịch vụ viễn thông cho người dân và doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, Chính phủ đẩy mạnh triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp và nhân lực có kỹ năng nghề; đã dành 2.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cho các trung tâm quốc gia đào tạo, thực hành nghề chất lượng cao. 

Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng; chất lượng dịch vụ y tế nhìn chung được nâng cao; ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ trong khám chữa bệnh, quản lý y tế được tăng cường, nhất là trong phòng, chống dịch COVID-19. 

Các chính sách tôn giáo, tín ngưỡng được quan tâm; công tác người cao tuổi, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được chú trọng; thể thao thành tích cao tiếp tục đạt kết quả ấn tượng. 

Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng thể chế

Chính phủ đã đổi mới mạnh mẽ công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật; giao Bộ trưởng, người đứng đầu các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tổ chức thực hiện công tác xây dựng thể chế và thi hành pháp luật.

Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn bất cập theo hướng đồng bộ, thống nhất, phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. 

Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính; thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đưa Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân đi vào hoạt động. 

Tiếp tục sắp xếp tổ chức, bộ máy tinh gọn, hiệu quả

Thực hiện nghiêm, có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội về sắp xếp tổ chức, bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường; trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu được đề cao. Phân cấp, phân quyền được đẩy mạnh và thực chất hơn, đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và nâng cao hiệu quả phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Tích cực triển khai mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh và thí điểm đối với Hà Nội, Đà Nẵng. 

Đẩy nhanh xây dựng, ban hành và thực hiện các kết luận, kiến nghị về thanh tra, nhất là đối với các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; chấn chỉnh, xử lý nghiêm và khắc phục vi phạm, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng. 

Tỉ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo tăng 4,6% so cùng kỳ, giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp kéo dài; tình hình khiếu nại tố cáo giảm. Tiếp tục hoàn thiện thể chế và tập trung xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động để triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng; hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, thu hồi tiền và tài sản qua công tác thanh tra có chuyển biến tích cực. 

Bảo đảm an ninh, quốc phòng; tăng cường đối ngoại

Quốc phòng, an ninh được tăng cường; chủ quyền quốc gia được giữ vững. Thực hiện tốt chủ trương bảo đảm quốc phòng, an ninh gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Các lực lượng quân đội, công an phát huy tốt vai trò xung kích trên tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19.

Bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu, sự kiện quan trọng của đất nước, nhất là Đại hội lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, không để bị động bất ngờ. Công tác phòng, chống tội phạm đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội đề ra, tạo chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội. Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí.

Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai tích cực, chủ động, đồng bộ, hiệu quả. Xây dựng và tích cực triển khai Chương trình hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương với các đối tác quan trọng; tăng cường hình thức hội đàm, trao đổi trực tuyến; đồng thời bước đầu nối lại hình thức trực tiếp đối với một số hoạt động. 

Đảm nhận thành công trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021; tích cực tham gia, đóng góp tại các diễn đàn, hội nghị đa phương với những đề xuất, sáng kiến được nhiều nước hưởng ứng và đánh giá cao. Tiếp tục phát huy vai trò chủ động, tích cực trong ASEAN. 

Ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa tiếp tục được đẩy mạnh và đạt kết quả thực chất. Triển khai khẩn trương, hiệu quả công tác ngoại giao về vaccine phòng COVID-19. Làm tốt công tác bảo hộ công dân.

Công tác thông tin, truyền thông lan tỏa năng lượng tích cực

Công tác thông tin, truyền thông được đẩy mạnh, nhất là về Đại hội XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và phòng, chống đại dịch COVID-19..., góp phần lan tỏa năng lượng tích cực, khơi dậy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền cảm hứng cho nhân dân và tạo đồng thuận xã hội.

Phát huy thế mạnh của báo chí, truyền thông; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm. Chủ động phát hiện, ngăn chặn thông tin giả, xấu, độc, vi phạm pháp luật; đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ nhìn nhận vẫn còn những hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức trên các lĩnh vực, trong đó có những vấn đề cần giải quyết trong trung và dài hạn. 

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp do biến chủng virus mới lây nhiễm nhanh hơn, nguy hiểm hơn; các quy định, hướng dẫn trong phòng, chống dịch chưa được hoàn thiện, bổ sung kịp thời; sự quản lý, giám sát của một số cấp chính quyền có lúc, có nơi còn sơ hở, thiếu chặt chẽ, chưa thực sự chủ động; trong khi ý thức chấp hành và việc tuân thủ quy định phòng, chống dịch của một bộ phận người dân chưa nghiêm. 

Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định và bền vững. Nợ xấu của các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng. Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều bộ, ngành, địa phương chậm được khắc phục, nhất là trong điều kiện phòng, chống dịch hiện nay để phát huy vai trò kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng. 

Cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Thúc đẩy hợp tác công tư trong đầu tư phát triển hạ tầng chiến lược còn nhiều hạn chế, bất cập, cần sớm được giải quyết. Xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm, nhiều vướng mắc, cần được tháo gỡ. 

Hoạt động sản xuất kinh doanh trong nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là khu vực dịch vụ, du lịch tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường có xu hướng tăng lên. Tỉ lệ người dân thất nghiệp, thiếu việc làm và tình trạng thiếu lao động cục bộ gia tăng. Giá một số hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu, chi phí vận tải, đầu vào... tăng cao. 

Môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh ở một số lĩnh vực cải thiện còn chậm. Đời sống một bộ phận người lao động, người dân gặp khó khăn, nhất là tại các địa phương bùng phát dịch và thực hiện giãn cách xã hội. Phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực cần được đẩy mạnh hơn nữa. Tình hình an ninh, trật tự, tội phạm hình sự, ma túy, an ninh mạng tiếp tục diễn biến phức tạp trên một số địa bàn. Trật tự an toàn xã hội có thể diễn biến phức tạp hơn do thiếu công ăn việc làm dưới tác động của đại dịch COVID-19.

Theo Báo Chính phủ

https://baochinhphu.vn/Thoi-su/Chinh-phu-nhanh-chong-khan-truong-xu-ly-cong-viec-bao-dam-lien-tuc-thong-suot/439310.vgp

  • Từ khóa

Hộ kinh doanh thu trên 200 triệu đồng một năm mới phải đóng thuế VAT

Chiều 26-11, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), luật có hiệu lực từ ngày 1-7-2025
20:16 - 26/11/2024
46 lượt xem

Quốc hội "chốt" áp thuế VAT 5% đối với phân bón

Chiều 26-11, tại kỳ họp thứ 8, 407/451 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)
20:14 - 26/11/2024
42 lượt xem

Giá trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực còn tồn đọng lớn

Cùng với những kết quả quan trọng đã đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong năm vừa qua cũng còn một số tồn tại, hạn chế như: giá trị...
12:07 - 26/11/2024
222 lượt xem

Việt Nam, Bulgaria thúc đẩy thương mại hai chiều

Chuyến thăm của Tổng thống Bulgaria Rumen Radev nằm trong nỗ lực đưa quan hệ với Việt Nam ngày càng thực chất và hiệu quả, với thương mại - đầu tư là trụ...
08:50 - 26/11/2024
314 lượt xem

Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ phải gắn với nhiệm vụ tăng tốc bứt phá

Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ yêu cầu: Bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không được khoảng trống thời...
19:28 - 25/11/2024
662 lượt xem