Chương trình tổng thể cải cách hành chính của Chính phủ nêu các mốc mục tiêu, đến 2025 hoàn thành nghiên cứu mô hình tổ chức tổng thể, đến 2030 kiện toàn cơ cấu theo hướng giảm hợp lý đầu mối các bộ.
Ngày 15/7, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030.
Chương trình tập trung vào 6 nội dung: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công và xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Cơ cấu Chính phủ hiện tại gồm 22 Bộ và cơ quan ngang Bộ.
Lộ trình giảm đầu mối bộ ngành
Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Chính phủ đặt mục tiêu, tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, định rõ việc của cơ quan hành chính nhà nước; phân định rõ mô hình tổ chức chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Đồng thời, tăng cường đổi mới, cải tiến phương thức làm việc nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước và sắp xếp, tinh gọn hệ thống tổ chức cơ quan hành chính nhà nước các cấp theo quy định. Đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước; tăng cường rà soát, sắp xếp lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, có cơ cấu hợp lý và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Chính phủ đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, hoàn thành việc nghiên cứu, đề xuất mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống hành chính nhà nước phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của Việt Nam trong giai đoạn mới; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức, khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống hành chính nhà nước.
Cũng trong giai đoạn này, Chính phủ yêu cầu hoàn thành việc sắp xếp thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thôn, tổ dân phố theo tiêu chuẩn quy định. Cùng với đó là giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.
Mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt tối thiểu 90%. Mức độ hài lòng của người dân về cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục công lập đạt tối thiểu 85%.
Mục tiêu đến năm 2030, Chính phủ yêu cầu tiếp tục sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức Chính phủ theo hướng giảm hợp lý đầu mối các bộ, cơ quan ngang bộ và giảm tương ứng số cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Xem xét Bộ, ngành có chức năng trùng lắp theo hướng tinh gọn
Các nhiệm vụ đề ra để thực hiện mục tiêu giảm đầu mối Bộ, ngành tại Chính phủ, giảm số Sở, ngành tại tỉnh, huyện, Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, đề xuất mô hình, cơ cấu tổ chức Chính phủ trong bối cảnh đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Cùng với đó là rà soát, xác định rõ nhiệm vụ của các cơ quan hành chính phải thực hiện, những công việc cần phân cấp cho địa phương, cấp dưới thực hiện; công việc cần chuyển giao cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm; trên cơ sở đó thiết kế, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính phù hợp ở Trung ương và địa phương.
Chính phủ cũng yêu cầu nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành, nhất là những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp để có giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp cơ cấu tổ chức, bảo đảm tinh gọn các bộ, cơ quan ngang bộ.
Các địa phương đã thực hiện thí điểm hợp nhất, sáp nhập các cơ quan chuyên môn (sở ngành) theo Kết luận số 34 năm 2018 của Bộ Chính trị thì tổng kết việc thực hiện thí điểm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Chính phủ cũng yêu cầu, tổ chức sắp xếp, kiện toàn các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước. Cụ thể là tiếp tục triển khai rà soát, sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức các cơ quan, đơn vị, giảm đầu mối tổ chức trung gian, khắc phục triệt để sự trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo nguyên tắc một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính.
Về nhân tố con người, giải pháp đưa ra là tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành việc triển khai thực hiện cải cách hành chính từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các cấp; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp và xã hội; bố trí đủ nguồn tài chính và nhân lực cho cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với tạo động lực cải cách trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới phương pháp theo dõi, đánh giá định kỳ kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính; thường xuyên đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức…
Theo Thái Anh/Dân trí
https://dantri.com.vn/xa-hoi/chua-giam-so-bo-nganh-trong-co-cau-chinh-phu-nhiem-ky-nay-20210715224737543.htm