Sáng 9/12, kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVIII tiếp tục làm việc với nội dung thảo luận tại tổ, tại hội trường. Các đại biểu tập trung phân tích kết quả, tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát sinh từ cơ sở; đồng thời, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu phát triển KT-XH đã đề ra.
Nâng chất lượng quản lý đất đai, đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp
Trong nội dung thảo luận, nhiều đại biểu trao đổi về những bất cập trong lĩnh vực đất đai. Ông Giáp Văn Hành, tổ đại biểu huyện Tân Yên cho rằng, hiệu quả quản lý ở cơ sở còn nhiều bất cập, chủ yếu là vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đại biểu kiến nghị tỉnh phân cấp cho huyện trong phạm vi cụ thể để vừa gắn trách nhiệm, vừa tạo thuận lợi cho địa phương giải quyết từng nội dung phát sinh, phù hợp với thực tế.
Đại biểu Giáp Văn Hành đề xuất giải pháp trong quản lý đất đai.
Về vấn đề này, ông Đào Duy Trọng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Theo Luật Đất đai, việc quản lý đã được phân cấp cụ thể. Do vậy, các địa phương cần căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để giải quyết nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất của người dân. Cùng đó, chính quyền cấp cơ sở nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong quản lý lĩnh vực này, căn cứ thẩm quyền để hướng dẫn người dân, doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục liên quan trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Thi, tổ đại biểu huyện Lục Nam phân tích, Bắc Giang là tỉnh có thế mạnh về cây ăn quả, ngoài vải thiều, còn có cây có múi (cam, bưởi) mang lại nguồn thu đáng kể cho nông dân. Tuy nhiên, thời gian qua tỷ lệ các vườn cam nhiễm bệnh vàng lá cây xanh, tuổi thọ cây thấp ở một số địa phương khá lớn. Một trong những nguyên nhân chính đó là do việc kiểm soát giống ban đầu chưa tốt, lạm dụng sử dụng hóa chất trong thâm canh. Cùng đó, nhiều hộ dân ồ ạt mở rộng diện tích trồng dẫn đến cung vượt quá cầu, lợi nhuận thấp. Ông đề nghị UBND tỉnh, ngành chức năng, chính quyền cần quan tâm chỉ đạo vấn đề này.
Ông Thi cũng nêu thực trạng hiện nay toàn tỉnh có khoảng 700 Hợp tác xã (HTX), trong đó có khoảng 500 HTX nông nghiệp song việc tham gia vào phát triển kinh tế nông nghiệp còn chưa nhiều, tổng diện tích đất của HTX phục vụ nông nghiệp chỉ chiếm 1,78% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh. Vì vậy, kiến nghị UBND tỉnh cần có cơ chế, chính sách để thúc đẩy các HTX phát triển.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại tổ, tại hội trường.
Trao đổi về lĩnh vực nông nghiệp, ông Dương Thanh Tùng, tổ đại biểu huyện Tân Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng: Muốn tìm hướng xuất khẩu để nâng cao giá trị nông sản thì cần đổi mới quy trình sản xuất, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yếu tố an toàn. Để đạt mục tiêu này thì việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, tổ chức các mô hình theo hướng liên kết là giải pháp quyết định. Đại biểu kiến nghị HĐND tỉnh nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành thêm nghị quyết về cơ chế khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, tạo thuận lợi đầu tư để nâng cao hơn nữa đóng góp của nông nghiệp vào tăng trưởng kinh tế.
Sắp xếp cán bộ dôi dư, tăng phụ cấp cho đội ngũ ở cơ sở
Nhiều đại biểu có ý kiến về việc bố trí, sắp xếp cán bộ dôi dư sau sát nhập. Điển hình như tại huyện Sơn Động, sau khi sát nhập 12 đơn vị cấp xã còn 6 đơn vị, cùng với thực hiện việc đưa công an chính quy về xã, huyện dôi dư gần 200 cán bộ. Do đó, huyện Sơn Động đề nghị tỉnh có cơ chế đặc thù để hỗ trợ sắp xếp cán bộ dôi dư trên địa bàn. Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Hương, đại biểu huyện Việt Yên cho rằng, việc sắp xếp cán bộ y tế thôn bản cần tính toán kỹ lưỡng. Bởi hiện ngoài làm công tác y tế, dân số, thông thường, cán bộ y tế thôn bản còn kiêm thêm công tác phụ nữ hay thậm chí trưởng thôn. Trong khi đó, công tác y tế thôn bản cần chuyên môn, nghiệp vụ (được đào tạo ít nhất 3 tháng) theo quy định của Bộ Y tế.
Ông Trịnh Văn Ánh, tổ đại biểu huyện Lạng Giang nêu ý kiến, qua những cuộc giám sát, tiếp xúc cử tri cho thấy, phụ cấp hiện nay của cán bộ bán chuyên trách, kiêm nhiệm ở cơ sở còn thấp, nhiều người bỏ việc tham gia hoạt động dịch vụ ở các khu công nghiệp với thu nhập hấp dẫn hơn. Cùng đó, nhiều cán bộ công chức, viên chức trẻ, có bằng thạc sĩ, công tác gần 10 năm nhưng mức lương cũng chỉ 4-5 triệu đồng/tháng dẫn đến việc trang trải cuộc sống rất khó khăn. Ông Trịnh Văn Ánh đề nghị các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét có cơ chế đãi ngộ sao cho thỏa đáng hơn để nâng mức thu nhập cho các đối tượng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.
Đại biểu Trịnh Văn Ánh thảo luận tại tổ.
Liên quan đến việc sắp xếp cán bộ ở cơ sở, ông Đỗ Đức Trịnh, tổ đại biểu huyện Lục Nam phản ánh, hiện nay việc ghép chức danh ở thôn, tổ dân phố, trong đó có công an viên tuy có những thuận lợi song cũng nảy sinh bất cập. Cụ thể, ở nhiều nơi, không ít đồng chí bí thư chi bộ hoặc trưởng thôn kiêm công an viên tuổi hơn 70, là nữ sức khỏe hạn chế. Khi có vụ việc về an ninh trật tự cần huy động (tuần tra, kiểm soát, giải quyết gây rối trật tự công cộng, bắt giữ đối tượng phạm tội…) rất khó khăn. Các cấp, ngành cần quan tâm chỉ đạo sao cho việc bố trí, sắp xếp các chức danh kiêm nhiệm phù hợp với điều kiện cụ thể ở mỗi địa phương.
Ngoài ra, các đại biểu thảo luận về một số vấn đề như: Số lượng giải quyết thủ tục hành chính qua cổng dịch vụ công trực tuyến chưa cao; cơ sở dạy tiếng Anh ở các huyện, thành phố nhiều song khó đánh giá chất lượng; tình trạng phóng viên một số tờ báo về tác nghiệp ở địa phương nhưng hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, có biểu hiện gây phiền hà cơ sở; tiếp tục ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông khu công nghiệp trên địa bàn huyện Việt Yên, xây dựng thêm cầu vượt đi bộ, bổ sung biển báo, đèn tín hiệu, lắp đặt lan can đường cao tốc để bảo đảm an toàn giao thông; quản lý hoạt động quảng cáo.
Theo Nhóm PV/Báo Bắc Giang
http://baobacgiang.com.vn/bg/hoi-dong-nhan-dan/tin-tuc-thoi-su/348770/ky-hop-thu-12-hdnd-tinh-bac-giang-khoa-xviii-thao-luan-kien-nghi-nhieu-giai-phap-khac-phuc-bat-cap-tu-co-so.html