Cũng như khi mang bầu, dinh dưỡng từ bữa ăn của bà mẹ sau sinh ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của trẻ em sơ sinh.
Ăn uống đúng cách sau sinh là điều vô cùng quan trọng bởi không chỉ giúp mẹ khỏe mạnh, mà còn trực tiếp ảnh hưởng tới nguồn dinh dưỡng cho bé sơ sinh bởi bé chỉ hoàn toàn ăn sữa mẹ. Hãy ăn uống đúng cách và đủ chất để cả mẹ và con được khỏe mạnh nhất.
Ảnh: Internet
1. Ăn đồ kho mặn cho lành dạ
Đây là quan niệm hoàn toàn không có cơ sở khoa học, bởi sau khi sinh con, cơ thể mẹ còn rất yếu, rất dễ bị rối loạn tiêu hóa. Vậy nên việc ăn cá, thịt kho mặn cho "lành bụng" lại vô tình khiến mẹ thiếu hụt dinh dưỡng, cơ thể khôi phục chậm và khiến bé cũng không đủ dinh dưỡng, tăng cân chậm.
Ảnh: Internet
2. Ăn nhiều tinh bột để có sữa
Quan niệm cơm luôn khiến chúng ta "chắc bụng" và ăn nhiều tinh bột khiến mẹ đẻ có nhiều sữa cho con hơn. Trên thực tế, đây lại là một sai lầm khác trong việc thiết kế bữa cơm cữ. Tinh bột không phải thực phẩm lợi sữa mà còn khiến mẹ gặp nguy cơ tiểu đường, béo phì. Vì vậy, khẩu phần tinh bột của mẹ mới sinh con không cần thay đổi gì so với trước, chỉ cần cân bằng đủ 4 nhóm chất chính là: tinh bột, chất đạm, chất béo và vitamin để cơ thể mẹ nhanh hồi phục và vẫn đủ dinh dưỡng cho bé phát triển khỏe mạnh.
Ảnh: Internet
3. Ăn thực phẩm giàu đạm, chất béo
Cũng như tinh bột, các món ăn bổ dưỡng giàu đạm, protein được coi là nguồn dinh dưỡng tốt cho sức khỏe mẹ và bé, càng ăn nhiều càng tốt. Thế nhưng những món ăn lợi sữa "huyền thoại" như móng giò, gà hầm, chân dê, chân chó... tuy có tác dụng lợi sữa thật nhưng lại chỉ nên dành cho những mẹ nào ít sữa mà thôi. Nếu bạn vẫn đủ sữa cho con bú, đừng cố gắng nhồi nhét bản thân phải ăn nhiều chất béo, nó hoàn toàn không có lợi cho nguồn sữa của bé mà còn khiến bạn tăng cân mất kiểm soát, khó "về dáng" sau sinh.
Ảnh: Internet
Hãy kết hợp hài hòa các loại dưỡng chất, ăn ngon mà nhẹ nhàng, đủ chất.
4. Tránh đồ chua
Đồ chua được coi là nguyên nhân khiến mẹ bị ê buốt răng, khiến bé bú sữa của mẹ bị tiêu chảy, không nên ăn khi còn ở cữ và trong thời gian cho con bú. Đây là một kinh nghiệm sai lầm khá phổ biến. Đồ quá chua, quá mặn hay có tính hàn như hải sản, dưa cải muối, xoài chua... có thể gây tiêu chảy ở bé và phản ứng sản hậu cho mẹ. Thế nhưng bổ sung một lượng vừa phải sẽ giúp mẹ và bé có đủ vitamin C.
Ảnh: Internet
5. Không ăn sáng
Nhiều mẹ mới sinh sẽ bị đảo lộn sinh hoạt, thậm chí vì quá bận chăm con mà gộp luôn bữa sáng với bữa trưa hoặc chỉ ăn qua loa cho đủ bữa. Điều này không tốt cho sức khỏe của mẹ, bởi bữa sáng là bữa quan trọng nhất trong ngày đối với tất cả mọi người. Bữa sáng giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể trong ngày, bé cũng cần có một nguồn sữa đủ năng lượng để phát triển thể chất.
Ảnh: Internet
6. Ăn rất ít rau và trái cây tươi
Thêm một thực phẩm được cho là nguyên nhân khiến mẹ sau sinh bị lạnh bụng, tiêu chảy là trái cây tươi, rau củ. Và chỉ một vài loại rau củ giàu chất xơ được có mặt trong danh sách thực phẩm lành tính cho mẹ mới sinh như: rau ngót, thì là, rau lang... Tuy nhiên, khi còn ở cữ và cả những ngày nuôi con bằng sữa mẹ sau này, rau và trái cây là nguồn thực phẩm xanh rất tốt cho sức khỏe của hai mẹ con, chúng cung cấp đủ vitamin và khoáng chất cho mẹ và sự phát triển của bé.
Ảnh: Internet
7. Bỏ bữa để giảm cân
Nhiều mẹ muốn nhanh lấy lại vóc dáng có thể chọn bỏ một bữa trong ngày để giảm cân nặng. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng bạn đang ăn vì hai người, bé sơ sinh cần sữa đầy đủ chất dinh dưỡng để hoàn thiện các chức năng của cơ thể, xây dựng một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Đừng vì nhanh giảm cân hơn một chút mà khiến nguồn sữa của bạn thiếu đi các dưỡng chất cần thiết cho con, khiến bé thiếu hụt dinh dưỡng.
Ảnh: Internet
Thay vì nhịn ăn hoặc bỏ bữa để nhanh giảm cân, mẹ sau sinh nên chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa trong ngày, ăn đủ dinh dưỡng như ít năng lượng để vừa đủ sữa cho con, vừa khiến cơ thể mẹ nhẹ nhàng hơn./.
Theo CTV Trần Ngân/VOV.VN (Tổng hợp)
https://vov.vn/suc-khoe/sai-lam-pho-bien-ve-bua-an-cu-sau-sinh-ma-me-nuoi-con-nen-biet-812437.vov