Tại Việt Nam, thống kê cho thấy các ca mắc ung thư ngày càng có xu hướng tăng lên. Từ con số 68.000 ca mắc ung thư năm 2000 đã tăng lên 126.000 năm 2010 và dự kiến sẽ vượt qua 190.000 ca vào 2020.
Thuốc lá và đồ uống có cồn là nguyên nhân hàng đầu của nhiều loại ung thư khác nhau như: ung thư phổi, ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư thực quản, ung thư miệng…
Mỗi năm, Việt Nam có hơn 165.000 ca mắc mới và khoảng 114.000 người tử vong vì ung thư; trong đó ước tính có khoảng 1/3 các trường hợp là có liên quan đến sử dụng thuốc lá hoặc hít khói thuốc lá.
Việc uống rượu bia, ngay cả một lượng nhỏ cũng làm tăng nguy cơ của một số bệnh ung thư so với những người không uống. Các nguy cơ mắc ung thư liên quan đến rượu bia giảm dần theo thời gian từ khi ngừng uống. Tuy nhiên, có thể phải mất nhiều năm trước khi nguy cơ giảm xuống ở mức như những người bình thường chưa bao giờ uống rượu bia.
Tại nước ta, ung thư gan đã vượt qua ung thư phổi trở thành bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới. Nguyên nhân chính là do xơ gan vì sử dụng rượu bia quá mức.
Theo số liệu liên quan từ các cuộc điều tra dịch tễ học, nguy cơ ung thư thực quản ở những người hút thuốc và nghiện rượu cao gấp 44 lần so với những người không hút thuốc và không uống rượu. Bên cạnh đó, thói quen ăn đồ nóng gây tổn thương niêm mạc thực quản và cũng làm tăng nguy cơ khởi phát căn bệnh này.
Các loại thịt chế biến sẵn như xúc xích, thịt xông khói có chứa nhóm muối nitrate, nitrite. Khi vào cơ thể, chúng được chuyển hóa thành nitrosamine, có thể làm tăng nguy cơ khởi phát ung thư thực quản, ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc tiêu thụ 50 g thịt chế biến sẵn mỗi ngày (ít hơn 2 lát thịt) có thể làm tăng 18% nguy cơ mắc bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư ruột.
Tỷ lệ đạm động vật trên tổng số thực phẩm cung cấp đạm trong bữa ăn hàng ngày quá cao sẽ dễ dẫn đến ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng. Thống kê cũng chỉ ra rằng, ở những quốc gia có chế độ ăn nhiều thịt thì người dân thường có xu hướng mắc ung thư đại trực tràng.
Theo báo cáo của các tổ chức y tế, chế độ ăn giàu chất béo, nhiều calo, ít chất đạm sẽ dễ sinh ung thư thực quản. Tuy nhiên, cơ chế phát sinh ung thư trong trường hợp này vẫn chưa được làm rõ.
Đừng nghĩ chỉ cần cắt bỏ những phần bị mốc là có thể ăn được thực phẩm một cách an toàn. Thực chất, nấm mốc trong quá trình phát triển đã sinh ra nhiều độc tố aflatoxin và tích tụ ở bên trong.
Sau khi vào cơ thể người hoặc động vật, aflatoxin chủ yếu được gan chuyển hóa thành một loại dẫn xuất khác, có khả năng gắn chèn với ADN nên gây ra đột biến gen. Nếu đột biến gen khiến tế bào phân chia không ngừng nghỉ thì sẽ khởi phát ung thư.
Các báo cáo đã chỉ ra rằng, chế độ ăn ăn ít rau củ quả cũng sẽ làm tăng nguy cơ ung thư. Vì thực vật có chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của các gốc tự do, vốn là nguyên nhân gây lão hóa và ung thư. Thực tế cho thấy, những người ăn chay có rủi ro mắc tất cả các loại ung thư thấp hơn hẳn nhóm còn lại.
Theo Minh Nhật/Dân trí
nguồn Health
https://dantri.com.vn/suc-khoe/6-thoi-quen-dua-chung-ta-den-gan-hon-voi-ung-thu-20201005155045876.htm