Bạn có bao giờ cảm thấy uể oải sau một buổi sáng làm việc? Các bác sĩ gợi ý một số điều nên làm giúp bạn lấy lại sinh lực.
Tâm trạng chán nản, thể lực suy giảm vào giữa ngày là điều phổ biến nhiều người gặp phải. Điều đó sẽ ảnh hưởng tới năng suất lao động của bạn, gây nhiều ức chế.
Nếu tình trạng này quá nặng và dai dẳng, bạn có thể muốn gặp bác sĩ tìm hiểu xem mình có vấn đề rối loạn về trao đổi chất nghiêm trọng nào xảy ra không.
Nếu không có bất thường lớn, bạn có thể tự điều chỉnh nhịp sinh hoạt vào buổi chiều để lấy lại sinh lực. Bạn có thể bắt đầu vào lúc 13h.
1. Ăn bữa trưa giàu protein, carb tốt
Nhiều người trải qua cảm giác “buồn ngủ sau ăn”, đây là hiện tượng phổ biến. Để tránh điều này, hãy bắt đầu buổi chiều bằng cách chuẩn bị một bữa trưa giàu chất xơ và carb tốt. Đó là những carb (tinh bột) được hấp thu chậm, tránh đường huyết tăng đột ngột.
Bạn chỉ cần lưu ý tăng cường tối đa nguồn năng lượng giải phóng năng lượng chậm, giảm đường, caffeine quá mức khiến bạn thấy uể oải.
Ngoài ra, bạn cần kiểm soát lượng thực phẩm nạp vào. Ăn quá nhiều vào giữa ngày sẽ khiến bạn trở nên uể oải, thấy khó khăn khi quay trở nhịp làm việc.
Các nghiên cứu cho thấy, một bữa trưa vừa phải cùng đồ ăn nhẹ vào buổi chiều sẽ khiến cho bạn có động lực suốt thời gian còn lại trong ngày.
2. Đi ra ngoài trời
Sau bữa trưa, bạn hãy tranh thủ đi ra ngoài một chút. Dù bạn làm việc từ xa, trong văn phòng hay bất cứ đâu, việc thay đổi khung cảnh xung quanh là một phần thiết yếu giúp cho năng lượng của bạn luôn tràn đầy.
Thêm vào đó, thậm chí một khoảng thời gian ngắn dưới ánh nắng có thể đảo ngược sự mệt mỏi thành khỏe khoắn khi cung cấp cho bạn một nguồn vitamin D.
Theo Harvard Health Publishing, “để tay chân trong ánh nắng mặt trời trong 10-15 phút một vài lần mỗi tuần có thể sản xuất gần đủ lượng vitamin cần thiết cho cơ thể”.
3. Uống nước
Uống nước thường xuyên là thói quen tốt nhưng lúc 13h, bạn nên uống một cốc nước mát. Đó là lúc bạn cảm thấy mệt mỏi nên cần bù nước.
Các nghiên cứu cho thấy dù chỉ hơi khát, bạn cũng có thể bị ảnh hưởng tâm trạng, năng lượng và suy nghĩ thông suốt. Trên thực tế, cảm giác khát chỉ xuất hiện khi bạn bị thiếu hụt nhiều nước, đồng nghĩa bạn bắt đầu chịu những tác động tiêu cực.
4. Thay đổi lịch trình
Sự mệt mỏi giữa ngày của bạn đôi khi chỉ là kết quả của việc làm nhiều giờ cho tới nghỉ trưa. Nếu bạn thấy nỗi mệt mỏi của bạn giảm bớt vào giữa ngày thì chính lịch trình làm việc của bạn là lý do.
Bạn có thể khắc phục tình trạng này bằng cách dành thời gian nghỉ giữa các phần việc kéo dài. Bạn có thể gọi điện cho bạn, tắm nếu làm việc từ xa hoặc ngồi thiền 10 phút.
Tránh xa khỏi màn hình máy tính, bạn có thể lấy lại năng lượng khi được thư giãn mắt, hết đau đầu, giảm căng thẳng.
5. Giãn cơ và vận động
Hoạt động thể chất dường như là điều cuối cùng bạn muốn làm khi rơi vào cảnh chán nản của buổi chiều. Nhưng đó chính là điều cơ thể thực sự cần. Thậm chí chỉ cần 10 phút giãn cơ, yoga hay tập luyện nhẹ nhàng cũng giúp tăng lượng máu và dinh dưỡng luân chuyển trong cơ thể, giúp cơ bắp bớt mệt mỏi.
Đây cũng là cách đơn giản để ổn định tỷ lệ cortisol - hormone tăng huyết áp, tăng đường huyết, có tác động ức chế miễn dịch, chống dị ứng.
Theo An Yên/Vietnamnet (nguồn Bestlife)
https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/dieu-ban-nen-lam-vao-luc-13h-de-vui-khoe-ca-ngay-676148.html