Viêm loét dạ dày với các triệu chứng điển hình như ợ hơi, ợ chua, đau vùng thượng vị, nôn và buồn nôn, đầy hơi khó tiêu… có thể diễn biến từ cấp tính tới mạn tính, gây nên các biến chứng nặng nề như viêm loét dạ dày mạn tính, hẹp môn vị, thủng dạ dày, xuất huyết dạ dày, thậm chí là ung thư dạ dày. Việc gặp phải biến chứng nguy hiểm đa phần do người bệnh không tuân thủ phác đồ điều trị từ bác sĩ và mắc phải các sai lầm dưới đây.
Tự ý mua và sử dụng thuốc
Tự ý mua và sử dụng thuốc là thói quen khá phổ biến của nhiều người, trong đó có người bị viêm loét dạ dày. Thông thường khi có các triệu chứng đầu tiên của bệnh như đau bỏng rát vùng bụng, ợ hơi, ợ chua, hầu hết mọi người thường ra nhà thuốc hỏi mua thuốc giảm đau cấp tốc. Tuy nhiên không phải dược sỹ nào cũng chẩn đoán đúng bệnh, họ thường bán các loại thuốc “chung chung” như thuốc giảm acid dạ dày, ức chế bơm proton, thuốc kháng sinh hoặc thuốc bao vết loét. Các loại thuốc này sẽ giúp người bệnh ngăn chặn được các cơn đau nhanh chóng nhưng không thể xử lý từ gốc, khiến bệnh tái đi tái lại nhiều lần, khó chữa.
Không tuân thủ quy trình điều trị
Việc tự ý ngưng sử dụng thuốc khi các triệu chứng đã có dấu hiệu thuyên giảm là điều xảy ra thường xuyên ở người mắc viêm loét dạ dày. Lúc này, các triệu chứng như ợ hơi, ợ chua, ợ nóng, đau rát dạ dày có giảm nhưng căn nguyên gây bệnh là các vết loét, vết xung huyết, vết viêm, trợt vẫn chưa lành nên bệnh có thể quay lại nhanh chóng.
Đặc biệt, đối với các trường hợp viêm loét dạ dày dương tính với khuẩn HP tự ý ngưng sử dụng thuốc, bệnh ngày càng trầm trọng hơn do vi khuẩn HP “có thêm thời gian” để tạo các kháng thể kháng lại thuốc kháng sinh. Vì thế, khi bệnh tái phát, các triệu chứng sẽ nặng thêm, vi khuẩn HP càng “lỳ lợm” hơn dẫn tới việc xử lý khó khăn hơn.
Mua thuốc theo toa cũ
Bệnh lý dạ dày rất dễ tái phát khi gặp các điều kiện thuận lợi như căng thẳng, mệt mỏi hay chế độ ăn uống không hợp lý. Khi tái phát, đa số người bệnh có thói quen ngại tái khám và chủ quan dùng thuốc theo toa cũ. Đây là sai lầm khiến bệnh viêm loét dạ dày khó dứt và có thể trầm trọng hơn.
Ảnh minh họa
Đặc biệt ở những người bệnh viêm loét dạ dày nhiễm vi khuẩn HP, việc mua thuốc theo toa cũ làm tăng tình trạng HP kháng thuốc và khiến bệnh khó dứt điểm hơn. Khi xử lý viêm loét dạ dày, nhất là khi có sự hiện diện của vi khuẩn HP, người bệnh nên được bác sĩ thăm khám và được dược sĩ tư vấn về việc dùng thuốc. Bởi khuẩn HP rất dễ biến đổi và kháng thuốc, vì thế việc sử dụng toa cũ có thể không mang lại hiệu quả như mong muốn, thậm chí có thể đi kèm tác dụng phụ.
Không tuân thủ các lưu ý về sinh hoạt, ngộ nhận bệnh dạ dày không lây lan
Xử lý viêm loét dạ dày mạn tính không chỉ cần chú ý tới việc dùng thuốc mà còn cần lưu tâm tới chế độ ăn uống và sinh hoạt. Thói quen ăn những thức ăn chua, cay, uống rượu bia hoặc sử dụng các chất kích thích dạ dày tiết acid dịch vị, no đói thất thường… sẽ làm giảm hiệu quả xử lý bệnh. Cuộc sống thiếu lành mạnh (thường xuyên căng thẳng stress, thức quá khuya và ăn đêm…) cũng gây áp lực lên dạ dày khiến việc đẩy lùi viêm loét dạ dày gặp khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, một số người bị lầm tưởng viêm loét dạ dày nhiễm khuẩn HP không thể lây lan. Tuy nhiên, trên thực tế khuẩn HP có thể lây qua nước bọt, phân, dịch tiêu hóa. Đặc biệt, với thói quen ăn chung, uống chung, nguy cơ lây nhiễm càng cao. Vì vậy nếu đã đẩy lùi thành công vi khuẩn HP mà người bệnh không ý thức được việc vệ sinh thì khả năng tái nhiễm vẫn rất cao.
Ảnh minh họa
Theo Báo sức khỏe & đời sống
https://suckhoedoisong.vn/sai-lam-nghiem-trong-ma-da-so-nguoi-benh-viem-loet-da-day-man-tinh-hay-gap-phai-n180553.html