Bệnh sốt xuất huyết khá phổ biến ở nước ta. Người dân cần cảnh giác trước căn bệnh này, đặc biệt trong tình hình dịch COVID-19 còn đang phức tạp.
Đi ngoài ra máu: Triệu chứng đi ngoài ra máu thường xuất hiện trong vòng 3 đến 5 ngày sau khi cơn sốt bắt đầu. Nguyên nhân của tình trạng này là do chảy máu ruột.
Chảy máu lợi và mũi: Chảy máu lợi và chảy máu mũi cũng là các dấu hiệu thường thấy của bệnh sốt xuất huyết. Nếu bạn không thể cầm máu và bị mất quá nhiều máu, bạn có thể cần được truyền máu.
Buồn nôn và nôn mửa: Tuy có thể gây khó chịu, nhưng nôn mửa là một cơ chế giúp cơ thể đào thải các độc tố ra khỏi dạ dày. Người mắc sốt xuất huyết thường nôn mửa do virus xâm nhập đến dạ dày.
Biến chứng các cơ quan nội tạng: Nếu không được chữa trị kịp thời, virus sốt xuất huyết có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến gan và phổi. Khi các mạch máu bị tổn thương, máu có thể bị rò rỉ, dẫn đến sụt giảm lượng tiểu cầu.
Chán ăn: Người bệnh sốt xuất huyết thường cảm thấy chán ăn bởi cơ thể phải dùng hết năng lượng để chống lại virus.
Đau cơ: Nhiều người bệnh cảm thấy đau ê ẩm ở nhiều bộ phận trên cơ thể, bao gồm cả cơ, xương và khớp. Cơn đau này là do virus tác động đến cấu trúc cơ của cơ thể.
Sốt: Khi bạn bị nhiễm virus, phản xạ đầu tiên của cơ thể là sốt. Đây là cơ chế tự nhiên của cơ thể nhằm tiêu diệt mầm bệnh.
Đau đầu: Đau đầu chỉ là một trong số nhiều triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết. Bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bên cạnh cơn đau đầu, người bệnh còn có thể bị đau ở vùng mắt.
Phát ban: Sau vài ngày nhiễm virus, một số ít người bệnh sốt xuất huyết gặp tình trạng phát ban đỏ, thường là ở vùng mặt. Các nốt phát ban có thể ngứa hoặc không, và thường tự biến mất.
Đau bụng: Sốt xuất huyết có thể gây đau toàn thân, nhưng vùng bụng là phần dễ bị ảnh hưởng nhất. Triệu chứng này thường đi kèm với khó thở và sốt./.
Theo CTV Ngọc Diệp/VOV.VN (biên dịch)
https://vov.vn/suc-khoe/10-dau-hieu-canh-bao-benh-sot-xuat-huyet-776114.vov