BGTV- Mùa hè là thời điểm dễ bùng phát bệnh tay-chân- miệng (TCM) ở trẻ nhỏ do tốc độ lây lan “chóng mặt“ của loại virus gây bệnh này. Điều đặc biệt nguy hiểm là nếu cha mẹ không chú ý điều trị kịp thời, trẻ nhập viện muộn khiến bệnh biến chứng nặng, để lại di chứng thần kinh, bại não.
Thời tiết nắng nóng kéo dài những ngày qua khiến nhiều trẻ trên địa bàn tỉnh mắc bệnh tay chân miệng. Chị Lê Thu Hoài (phường Thọ Xương, TP Bắc Giang) đưa con gái 3 tuổi đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết gần đây phát hiện nổi nốt bóng nước ở tay, chân, miệng lở loét khiến cháu khóc quấy, bỏ ăn, kèm theo đó là triệu chứng sốt cao. “Gửi cháu ở nhà trẻ được 3 ngày thì con bị như vậy nên tôi nghĩ ngay bị tay chân miệng, sáng nay đi khám thì bác sĩ bảo phải nhập viện, đáng lo là nhiều cháu gửi cùng điểm trông trẻ cũng bị như vậy nên tôi lo con bị lây từ các bạn”. - chị Hoài cho biết.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu tháng 7 đến nay, toàn tỉnh phát hiện 154 bệnh nhi mắc TCM, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019. Tại Khoa nhi - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang thời gian gần đây lượng bệnh nhân đến khám và điều trị gia tăng, các bác sĩ cho biết, nhiều phụ huynh cho con tới bệnh viện khám còn khá chủ quan do chưa nhận thức hết những biến chứng nguy hiểm của bệnh TCM, một số trẻ sốt cao, xuất hiện nốt phỏng ở tay, chân mới được cha mẹ cho tới viện khám.
Bệnh TCM hiện đang phức tạp, trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất
Thời tiết hiện nay dễ lây lan các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt với trẻ nhỏ, người già có hệ miễn dịch kém. Nguyên nhân bệnh TCM đến từ virus đường ruột Enterovirus với hai loại thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus typ 71. Đặc biệt, đối với những nơi tập trung trẻ em như trường học, khu vui chơi... sẽ tồn tại nhiều virus gây bệnh. Virus gây bệnh tồn tại trong nước bọt, dịch hắt hơi, sổ mũi, phân, dịch vỡ bóng nước trên da, niêm mạc. Bên cạnh đó, trẻ không thể tự tạo ra miễn dịch đối với TCM do cơ thể có thể mắc nhiều chủng virus TCM khác nhau qua mỗi năm, vì thế trẻ dù đã khỏi bệnh vẫn có thể mắc trở lại, hiện bệnh chưa có vaccine phòng cũng như thuốc điều trị đặc hiệu.
Theo các bác sỹ da liễu, bệnh TCM có thể lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc phải virus gây bệnh, thời gian ủ bệnh thường từ 3-6 ngày, virus có thể phát tán từ cơ thể người bệnh ra môi trường qua đường phân, các nốt phỏng nước hoặc dịch tiết từ đường hô hấp. Đáng lo ngại là dịch bệnh này lây lan với tốc độ rất nhanh, triệu chứng dễ nhận biết như: Đau họng, đau răng, miệng, sốt, chảy nhiều rãi; sau đó xuất hiện các nốt phỏng nước trên da, niêm mạc, ở lòng bàn tay, bàn chân...
Phụ huynh cần chú ý giữ gìn vệ sinh, nâng cao sức đề kháng để bảo vệ trẻ trong thời điểm dịch bệnh hiện nay
Để phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này, bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết, Phó trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) khuyến cáo tới các bậc phụ huynh cần chú ý giữ gìn vệ sinh cho trẻ, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày đối với cả người lớn và trẻ em. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống như: Không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
Trong thời điểm hiện nay khi bệnh diễn biến phức tạp, các bậc cha mẹ cũng hạn chế để trẻ tiếp xúc, vui chơi tại những nơi công cộng. Tại gia đình, các khu nhà trẻ cần thường xuyên lau sạch, vệ sinh các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Hạn chế hoặc không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất, không để bệnh chuyển biến nặng sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm./.
Minh Anh