Thuốc quá hạn sử dụng dễ bị biến chất, vào cơ thể làm tăng tác dụng phụ, giảm hiệu quả điều trị, thậm chí nguy cơ chết người.
Ngày hết hạn thuốc là ngày cuối cùng mà nhà sản xuất đảm bảo đầy đủ hiệu lực và độ an toàn của thuốc. Ngày hết hạn được in trên hầu hết nhãn thuốc, bao gồm thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn (OTC) và thực phẩm bổ sung (thảo dược).
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết các sản phẩm thuốc bán trên thị trường thường có ngày hết hạn kéo dài từ 12 đến 60 tháng. Thực tế, thời hạn sử dụng thực tế của thuốc có thể lâu hơn nhưng không có những nghiên cứu kiểm tra.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Nghiêm Luật, nguyên Trưởng khoa Hóa sinh, Đại học Y Hà Nội, cho rằng nguyên tắc bất kỳ một loại thuốc nào khi hết hạn sử dụng là không được phép dùng trong điều trị.
"Các hãng sản xuất thuốc in hạn sử dụng trên bao bì tức là họ chỉ chịu trách nhiệm về tác dụng thuốc đến ngày đó thôi. Khi quá hạn, thuốc hoàn toàn có thể bị biến chất, đưa vào cơ thể rất nguy hiểm, thậm chí nguy cơ gặp biến chứng chết người", ông Luật nói.
Đồng quan điểm, một dược sĩ chuyên khoa ung bướu tại TP HCM, cho biết về nguyên tắc, tất cả các loại thuốc hết hạn không được sử dụng. "Đây là nguyên tắc bất di bất dịch. Hành vi cấp phát, bán và sử dụng thuốc đã hết hạn dùng bị nghiêm cấm thực hiện, theo điều 2, Luật Dược 2016", dược sĩ này nói.
Dược sĩ cho biết thêm thuốc chỉ có tác dụng trong thời hạn sử dụng cho phép. Ngoài thời hạn này, các thành phần thuốc có thể đã bị phân hủy, biến chất. Việc sử dụng thuốc hết hạn chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến bệnh nhân, như tăng tác dụng phụ, giảm hiệu quả điều trị... Người bệnh rủi ro dùng nhầm thuốc quá hạn phải thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, theo dõi sát trong thời gian dài mới biết mức độ ảnh hưởng.
Với ung thư, phát hiện điều trị sớm, không bỏ lỡ thời gian vàng rất quan trọng trong việc cứu sống bệnh nhân. Dùng thuốc hết hạn không những không đạt hiệu quả như mong muốn mà đôi khi bị bỏ lỡ thời gian vàng trong điều trị.
Theo MD Anderson, cho dù là thuốc hóa trị liệu như vismodegib, thuốc giảm đau có hiệu lực cao hay thuốc vemurafenib tác dụng tấn công tế bào ung thư, ngăn ngừa di căn... điều quan trọng là phải sử dụng đúng cách. Khi đã hết hạn sử dụng, hiệu quả không những không đạt được mà còn gây những tác hại không lường trước.
Trong và sau khi điều trị ung thư, người bệnh được kê đơn thuốc dùng tại nhà. Các chuyên gia cho biết việc lưu trữ an toàn và thải bỏ khi thuốc hết hạn cũng đặc biệt quan trọng, bởi những loại thuốc này tác động rất mạnh vào cơ thể.
"Hầu hết các loại thuốc có thể được để trong túi nhựa và bỏ vào thùng rác. Nhưng một số đơn thuốc, chẳng hạn như thuốc giảm đau liều cao, nên được xả xuống nhà vệ sinh để ngăn ngừa lạm dụng thuốc hoặc vô tình trẻ em nuốt phải trẻ em", các chuyên gia cho biết.
Tối 24/6 tại Bệnh viện Truyền máu huyết học TP HCM, bệnh nhân Lê Trần Khánh Chi, 4 tuổi, bị suy tủy, đang truyền Antithymocyte Globuline (Thymogam 250mg) lọ thứ 5 thì người nhà phát hiện hai lọ thuốc hết hạn sử dụng từ tháng 1/2020.
Hiện, bệnh nhi vẫn ổn, sinh hiệu bình thường, được theo dõi chặt để xử lý kịp thời các biến chứng. Phía bệnh viện đã họp khẩn, xác minh làm rõ nguyên nhân. Các cá nhân liên quan bị tạm đình chỉ công tác.
Theo Thúy Quỳnh - Thư Anh/VnExpress
https://vnexpress.net/dieu-gi-xay-ra-khi-dung-thuoc-ung-thu-het-han-4121272.html