Chính phủ các nước tập trung chiến đấu với Covid-19 khiến nhiều chương trình tiêm chủng bị gián đoạn, nguy cơ các dịch bệnh khác sẽ bùng phát.
Kể từ tháng 2, sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cảnh báo Covid-19 có thể lây lan nhanh hơn khi trẻ em tập trung đến các trạm xá, nhiều quốc gia dừng chương trình tiêm chủng.
4 tháng sau đó, bệnh bạch hầu xuất hiện trở lại ở Pakistan, Bangladesh và Nepal. Dịch tả hoành hành tại Nam Sudan, Cameroon, Mozambique và Yemen. Một biến chủng của virus bại liệt được phát hiện ở hơn 30 quốc gia. Dịch sởi bùng phát toàn cầu, ảnh hưởng nhiều nhất đến Congo, Brazil, Campuchia, Cộng hòa Trung Phi, Iraq, Kazakhstan.
Nhân viên y tế tại Chương trình Bác sĩ Xuyên biên giới chở vaccine đến địa phận tỉnh Mongala, Congo, tháng 2/2020. Ảnh: Reuters
Trong 29 quốc gia tạm đình chỉ các chiến dịch tiêm phòng để ứng phó Covid-19, 18 nước bùng dịch sởi. Theo ước tính của Tổ chức Sáng kiến Sởi và Rubella, trong năm 2020, khả năng có 178 triệu người mắc bệnh.
Chibuzo Okonta, chủ tịch Chương trình Bác sĩ Xuyên biên giới tại Tây và Trung Phi, nhận định dịch sởi lây lan trong vài tháng tới sẽ gây tử vong cho nhiều trẻ em hơn cả Covid-19.
Dịch sởi tại Congo
Congo là một trong những quốc gia châu Phi đứng trước nguy cơ bùng phát sởi mạnh nhất, song song Covid-19.
Giữa đại dịch, một phái đoàn y tế bước lên chiếc ca nô neo dưới lòng sông Tshopo, chuẩn bị cho chuyến đi dài. Nhiệm vụ của họ là tiêm phòng sởi cho trẻ em tại tiểu vùng này. Căn bệnh đã bùng phát ở 26 tỉnh thành, tuy nhiên Covid-19 khiến cho chương trình tiêm chủng bị đình trệ.
Đoàn nhân nhiên viên y tế nỗ lực cân bằng giữa khống chế dịch bệnh mới và ngăn chặn sự lây lan của virus cũ, vốn ám ảnh cộng đồng châu Phi kể từ những năm 80.
Khi chiếc ca nô dài và hẹp cập bến, họ sớm nhận ra, thách thức lớn nhất không phải việc tiêm chủng cho trẻ em trong khi tuân thủ các quy định an toàn thời kỳ đại dịch, mà là thuyết phục người dân cho phép con họ sử dụng vaccine.
Thông qua các nguồn tin thất thiệt, nhiều bậc phụ huynh cho rằng con cái mình không được tiêm phòng sởi, mà trở thành "chuột thí nghiệm" cho chương trình tuyệt mật, nghiên cứu vaccine ngừa nCoV. Lý do phần vì hồi tháng 4, những người châu Phi nói tiếng Pháp đã nghe được thông tin vaccine Covid-19 sẽ được thử nghiệm tại lục địa này. Ngay sau đó, chuyên gia virus phụ trách phản ứng đại dịch ở Congo đã thực sự đồng ý tham gia chương trình nghiên cứu, diễn ra mùa hè năm nay. Dù ông nhấn mạnh vaccine đưa vào đã được thử nghiệm trước ở nơi khác, nhưng những lời đồn thổi ác ý vẫn nhanh chóng lan xa. Nhiều bậc cha mẹ cũng vì thế mà phản đối con cái tiêm phòng sởi.
Một em nhỏ mắc sởi được mẹ cho ăn tại khu cách ly, bệnh viện Boso-Manzi, Congo, hồi cuối tháng 2. Ảnh: Reuters
Sau hàng loạt nỗ lực thuyết phục, nhóm y tế tiêm chủng thành công cho 16.000 em nhỏ. Tuy nhiên, 2.000 phụ huynh khác nhất quyết tránh mặt.
Đây là năm thứ 5, Congo triển khai chương trình phòng ngừa cấp quốc gia. Dịch sởi bùng phát giai đoạn 2018 vẫn âm ỉ lây lan đến nay. Tính từ tháng 1/2020 đã có hơn 60.000 trường hợp mắc bệnh và 800 ca tử vong. Cùng lúc, Ebola, bệnh lao và bệnh tả cũng tấn công đất nước.
Covid-19 quét qua, cơ quan y tế quốc gia cho phép tiêm chủng ở các khu vực không có trường hợp dương tính. Tuy nhiên, đại dịch khiến sân bay đóng cửa, nguồn cung vaccine bại liệt, sởi và lao bị gián đoạn.
Sau khi các liều tiêm cập bến Kinshasa, chúng lại không thể được phân phối đến các thành phố khác vì hệ thống đường sá kém chất lượng. Các chuyên gia y tế Liên Hợp Quốc cuối cùng quyết định vận chuyển bằng máy bay. Song vấn để khác nảy sinh. Tình trạng khan hiếm khẩu trang, găng tay và nước khử trùng khiến nhiều nhân viên y tế bỏ việc. Số khác được điều động lên tuyến đầu, điều trị người nhiễm nCoV.
Nguy hiểm hơn Covid-19
Trên thực tế, trong môi trường khí dung, virus sởi có tốc độ lây lan nhanh chóng hơn nCoV, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ.
"Nếu một người chưa tiêm chủng ở cùng phòng có bệnh nhân sởi khoảng hai tiếng, 100% người đó sẽ lây bệnh", tiến sĩ Yvonne Maldonado, chuyên gia về truyền nhiễm nhi khoa, Đại học Stanford, cho biết.
Tại các nước đang phát triển, tỷ lệ trẻ em mắc sởi tử vong dao động từ 3 đến 6%. Con số có thể gia tăng nếu xét đến chứng suy dinh dưỡng, hoặc sự đông đúc của các trại tị nạn. Các em thường không chịu được biến chứng như viêm phổi, viêm não và tiêu chảy nặng.
Trước khi Covid-19 bùng phát, tại thủ đô Addis Ababa, Ethiopia, 91 trẻ em được tiêm mũi vaccine sởi đầu tiên. Tuy nhiên, đến tháng 4 năm nay, quốc gia đình chỉ chiến dịch tiêm phòng.
"Các mầm bệnh chết người vượt trên khái niệm biên giới. Đặc biệt là sởi, nó xuất hiện ở khắp mọi nơi", tiến sĩ Katherine O’Brien, giám đốc tiêm chủng của WHO, nhận định.
Trẻ em tại Manila được tiêm phòng sởi, tháng 5/2020. Ảnh: Associated Press
Tỷ lệ tiêm phòng của các nước phát triển cũng giảm mạnh. Một số bang tại Mỹ báo cáo trẻ được sử dụng vaccine giảm 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này càng trở nên nghiêm trọng khi quốc gia đã nới lệnh phong tỏa. Người dân sớm muộn sẽ du lịch trở lại.
Khi đại dịch còn dai dẳng, WHO và nhiều tổ chức y tế công cộng liên tục kêu gọi các nước nỗ lực duy trì chiến dịch tiêm chủng, bên cạnh ứng phó Covid-19.
"Hệ miễn dịch là một trong những vũ khí chống lại bệnh tật nguyên thủy và mạnh mẽ nhất trong lịch sử y tế công cộng. Dừng tiêm chủng vì đại dịch có thể phá hủy hàng thập kỷ tiến bộ trong công tác chống lại các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine như sởi", tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, giám đốc WHO, nhận định.
Theo Thục Linh/Vnexpress
https://vnexpress.net/dich-benh-cu-troi-day-khi-the-gioi-mai-chong-covid-19-4116547.html