BGTV - Những ngày qua nền nhiệt độ tại Bắc Giang liên tục ở mức cao, có lúc lên đến 38 – 39 độ C khiến cho đời sống và sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Đặc biệt, nắng nóng cũng đã khiến số lượng bệnh nhi nhập viện có chiều hướng gia tăng.
“Ốm vì nắng”
Chị Lê Thị Cúc (Phường Dĩnh Kế, TP Bắc Giang) cho biết trong những ngày nắng nóng vừa qua con gái 3 tuổi của chị phải nhập viện vì viêm phổi cấp. Chị Cúc cho biết: “Nắng nóng nên mình cũng chủ quan để con chơi trong phòng lạnh cả ngày với người giúp việc, khi thấy con có sốt, ho, mệt mỏi, gia đình cho cháu nhập viện để bệnh không chuyển nặng, không chỉ tôi mà cũng có rất nhiều phụ huynh con nhỏ phải vào viện vì nắng nóng, không cẩn thận là con bị ốm ngay”.
Nắng nóng khiến lượng bệnh nhi đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế có chiều hướng gia tăng
Cũng khổ vì “nắng”, anh Trần Mạnh Cường (Phường Đa Mai, TP Bắc Giang) đưa 2 con đi khám vì mắc bệnh đường tiêu hóa do ăn uống tại các hàng quán vỉa hè. “Trời nóng khiến việc ăn uống của các con cũng khó khăn, đồ ăn để bên ngoài hoặc hàng quán không đảm bảo vệ sinh là rất dễ ngộ độc, tiêu chảy”.
Lý giải nguyên nhân trẻ nhập viện gia tăng, các bác sĩ cho biết trong thời tiết nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao làm sức đề kháng của trẻ kém đi, khiến vi khuẩn, virus nguy hiểm gây hại cho sức khỏe dễ dàng xâm nhập vào cơ thể. Nhiệt độ cao khiến da bài tiết mồ hôi nhiều hơn dẫn đến rối loạn điện giải, gây ra các bệnh lý hô hấp, nếu trẻ trong phòng lạnh quá lâu, nhiệt độ thấp hoặc uống nước đá cũng dễ mắc các bệnh như viêm đường hô hấp, viêm họng amidan, viêm tai giữa, viêm phổi, tay chân miệng, viêm đường hô hấp, sốt siêu vi, tiêu hóa, phát ban... Bên cạnh đó, thực phẩm trong mùa hè nếu không được chế biến, bảo quản tốt cũng khiến vi khuẩn dễ sinh sôi, làm thức ăn nhanh ôi thiu, trẻ dễ mắc các bệnh đường tiêu hóa.
Cẩn thận phòng bệnh
Theo thống kê, tại các bệnh viện công trên địa bàn tỉnh, lượng bệnh nhi tăng cao hơn so với tháng trước từ 20 -30%, một số phòng khám tư nhân mỗi ngày có khoảng 60 - 80 lượt bệnh nhi đến khám và điều trị, chủ yếu là các bệnh hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản, tiêu hóa, sốt siêu vi, tiêu chảy cấp…
Phụ huynh nên đưa con đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh, không tự ý điều trị cho trẻ tại nhà
Theo các bác sĩ khuyến cáo, vì hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, sức đề kháng kém rất dễ mắc bệnh, đặc biết với trẻ dưới 5 tuổi phụ thuộc rất lớn vào cha mẹ hay người chăm sóc. Do đó, để phòng tránh những bệnh mùa nắng nóng, các bậc phụ huynh nên giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, không nên đưa trẻ đến những nơi đông người, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột từ phòng lạnh ra ngoài trời, cụ thể, nếu cho trẻ sử dụng máy lạnh trong thời gian kéo dài quá mức (thường trên 4 tiếng), và nhiệt độ phòng quá lạnh sẽ làm cho đường hô hấp của trẻ sẽ bị khô khiến cho sức đề kháng đường hô hấp của trẻ bị giảm nên trẻ sẽ dễ bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính như viêm họng, viêm amiđan, viêm thanh quản, viêm mũi xuất tiết...làm trẻ bị sốt, ho, chảy nước mũi, kém ăn. Phụ huynh không nên chủ quan tự điều trị tại nhà khi trẻ có các biểu hiện ho, sốt, sổ mũi kéo dài kèm theo các triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, cần đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị kịp thời, tránh bệnh chuyển nặng.
Chế độ ăn uống của trẻ trong mùa hè cũng cần quan tâm, nên lựa chọn và sử dụng thực phẩm tươi, không nên cho trẻ ăn thức ăn tại các quán hàng rong, vỉa hè. Phụ huynh nên tạo thói quen vệ sinh cá nhân cho trẻ thường xuyên như rửa tay sạch sẽ, hàng ngày rửa mũi, súc miệng bằng dung dịch nước muối sinh lý (Natri Clorit 0,9%) để làm sạch, tránh cho trẻ tiếp xúc trực tiếp ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều vì khoảng thời gian này có nhiều tia bức xạ nguy hại, nếu trẻ ra ngoài hay đi học cần chú ý đội mũ, đeo khẩu trang, áo chống nắng./.
Minh Anh