Đau tim là biểu hiện của bệnh lý động mạch vành, một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Có rất nhiều nguy nhân gây đau tim nhưng ít người biết rằng ngoài nguyên nhân bệnh lý, có những thói quen bạn đang làm hàng ngày lại có thể 'giết hại' tim, dẫn đến những cơn đột quỵ.
Ảnh minh họa: Internet
Theo Thạc sĩ. Bác sĩ Trần Hồng Nhật, một cơn đau tim điển hình thường xảy ra đột ngột và dữ dội, nhưng cũng có trường hợp lại bắt đầu với cảm giác đau nhẹ hoặc khó chịu ở ngực. Vậy nên hãy chú ý đến cơ thể bạn và khi gặp bất kỳ dấu hiệu cảnh báo đau tim nào dưới đây, bạn nên đến khám bác sĩ ngay để có điều trị kịp thời:
Đau ngực: Hầu hết các cơn đau tim liên quan đến sự khó chịu ở vùng ngực trái hay giữa ngực. Cảm giác đau nhói theo cơn hoặc căng tức như bị ép bởi vật nặng. Cơn đau ở ngực thường kéo dài vài phút, nó biến mất và sau đó lại xuất hiện trở lại.
Cần nhấn mạnh rằng không phải ai cũng có cơn đau ngực điển hình, cơn đau có thể nhẹ, thoáng qua nên có thể bỏ qua hay nhầm lẫn với các biểu hiện của bệnh lý khác như triệu chứng đầy bụng, khó tiêu, trào ngược của dạ dày. Trong một số trường hợp, có thể không có bất kỳ cơn đau ngực nào cả, đặc biệt là ở những người mắc bệnh tiểu đường. Nên khi muốn xác định một người có bị đau tim không cần kết hợp các triệu chứng chứ không chỉ dựa vào mức độ đau ngực.
Khó chịu ở các khu vực khác của phần trên cơ thể: Cơn đau ở ngực thường lan sang các bộ phận khác như đau lan ra tay trái hoặc cả hai cánh tay, lan ra lưng, hay cổ, hàm.
Các dấu hiệu đi kèm: Ngoài các dấu hiệu điển trên, cơn đau tim còn có thể xảy ra với các dấu hiệu sau: Khó thở; Đổ mồ hôi lạnh; Buồn nôn; Mệt mỏi, choáng váng.
Những thói quen dễ gây đau tim
Ngồi một chỗ quá lâu
Việc ngồi một chỗ suốt nhiều giờ liên tục để xem tivi hay dùng điện thoại có thể làm gia tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Lý do là vì, khi bạn ngồi một chỗ thì lượng mỡ và đường trong máu sẽ tăng cao. Bác sĩ Harmony R. Reynolds (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm sàng Tim mạch thuộc Trung tâm Y tế NYU Langone tại New York) khuyên rằng, chúng ta nên thường xuyên đứng dậy hoặc đi lại để giải phóng cơ thể thay vì chỉ ngồi tại một chỗ quá lâu.
Lười ăn trái cây và rau củ
Một chế độ ăn uống thiếu lành mạnh cũng có thể là nguyên nhân gây suy giảm sức khỏe tim mạch của bạn. Đặc biệt, nếu bạn lười ăn trái cây và rau củ thì cơ thể sẽ thiếu hụt nhiều dưỡng chất quan trọng, đồng thời làm ảnh hưởng tới cơ quan tim mạch.
Trầm cảm và không kiểm soát được áp lực
Bạn đang cảm thấy căng thẳng, khó chịu, áp lực và trầm cảm? Tất cả sẽ ảnh hưởng đến trái tim của bạn.
Theo các bác sĩ cách bạn xử lý và kiểm soát cảm xúc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch. Và những người hay bị stress sẽ dễ bị bệnh tim hơn.
Ngáy khi ngủ
Ngáy có thể là dấu hiệu cảnh báo một chứng bệnh nguy hiểm chẳng hạn như chứng ngừng thở khi ngủ bởi nó có thể khiến huyết áp tăng vọt bất thường.
Mỹ có hơn 18 triệu người có nguy cơ mắc bệnh tim do mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Những người béo phì và thừa cân cũng rất dễ mắc chứng bệnh này. Tuy nhiên người gầy cũng không phải ngoại lệ.
Tách khỏi cộng đồng
Thức tế những người có quan hệ tốt với gia đình, bạn bè và xã hội sẽ sống lâu hơn với sức khỏe tốt hơn nhiều.
Tất cả chúng ta ai cũng cần có không gian riêng của mình nhưng không có nghĩa là cô lập mình với thế giới bên ngoài. Hãy giữ liên lạc và tạo mối quan hệ tốt bất kỳ khi nào có thể.
Uống nhiều rượu
Các nghiên cứu chỉ ra rằng một lượng nhỏ chất cồn có thể tốt cho tim nhưng quá nhiều thì lại phản tác dụng.
Uống quá nhiều bia rượu sẽ làm tăng huyết áp, chất béo trong máu và yếu tim. Them vào đó, quá nhiều calo cũng có thẻ dẫn đến nguy hiểm cho trái tim của bạn.
Ăn quá nhiều
Thừa cân cũng là yếu tố nguy hại cho trái tim. Thực tế cho thấy 72% đàn ông và 64% phụ nữ ở Mỹ bị thừa cân và béo phì có liên hệ mật thiết với bệnh tim.
Ăn mặn
Việc ăn quá nhiều muối sẽ gây áp lực lớn lên vùng tim mạch và các cơ quan khác, từ đó khiến quá trình thải bỏ độc tố bị ảnh hưởng. Lúc này, bạn sẽ gặp phải tình trạng huyết áp tăng cao, có nguy cơ bị đột quỵ, suy tim hoặc suy thận. Vì vậy, cần chủ động sửa bỏ thói quen ăn mặn trong ngày và nên cân bằng giữa các nguồn dinh dưỡng thiết yếu để bảo vệ sức khỏe vùng tim mạch tốt hơn.
Ngủ quá nhiều hoặc quá ít
Thói quen này sẽ gây tăng huyết áp và tăng lượng kích thích tố, gia tăng căng thẳng nhiều hơn. Đồng thời, khi bạn ngủ nghỉ không đúng giờ giấc thì còn làm tăng nguy cơ vôi hóa động mạch vành, ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình làm việc của tim mạch.
Hút thuốc lá thường xuyên
Đây là một thói quen vô cùng xấu, có thể làm tắc nghẽn dòng máu di chuyển lên tim. Đồng thời, nó cũng góp phần gây tích tụ các mảng bám ở động mạch nên bạn cần tránh xa những nơi có khói thuốc lá để bảo vệ sức khỏe vùng tim mạch của mình.
Theo Hòa Thuận/Tiền phong ( Tổng hợp)
https://www.tienphong.vn/suc-khoe/thoi-quen-giet-hai-tim-gay-dot-quy-nhieu-nguoi-viet-dang-lam-hang-ngay-1668267.tpo