Bé trai hai tuổi được gia đình đưa tới Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng ho, sốt, khó thở, nôn trớ, ăn kém.
Người mẹ cho biết không cho con uống thuốc gì, đưa tới bệnh viện khám ngay khi có triệu chứng. Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phổi cấp, phải nhập viện.
Từ đầu tháng 5, khoảng 200 bệnh nhi mắc bệnh đường hô hấp hoặc bệnh truyền nhiễm khám ở Bệnh viện Bạch Mai. Trong đó, mỗi ngày khoảng 10 trẻ bệnh nặng phải nhập viện, số còn lại điều trị ngoại trú.
Bác sĩ Phạm Văn Hưng, khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết các bệnh nhi chủ yếu mắc bệnh đường hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm mũi họng, viêm tai giữa và sốt xuất huyết. Dự báo số bệnh nhân tăng nhiều trong thời gian tới vì thời tiết đã vào hè.
Theo bác sĩ Hưng, trời nắng, nhiệt độ cao là điều kiện thuận lợi cho hàng loạt bệnh hô hấp, sốt xuất huyết, thủy đậu, tay chân miệng... bùng phát ở trẻ. Bên cạnh đó, nhiệt độ thường xuyên thay đổi từ nóng sang lạnh và ngược lại vì các gia đình, nhà trường sử dụng điều hòa, cũng khiến trẻ dễ bị ốm. Ngoài ra trẻ có thể mắc bệnh đường tiêu hóa, tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm do nhiệt độ cao làm hỏng thức ăn khi không được bảo quản tốt.
Người nhà chăm sóc cho trẻ nhỏ điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Chi Lê.
Để phòng bệnh cho trẻ, bác sĩ Hưng khuyến cáo phụ huynh nên hạn chế sự thay đổi nhiệt độ đột ngột. Nhiệt độ của điều hòa không khí trong phòng chỉ ở mức 26-28 độ C, không nên quá thấp. Trước khi ra ngoài, nên tắt điều hòa từ 10-15 phút để trẻ làm quen với nhiệt độ thay đổi.
Cha mẹ nên giữ vệ sinh bàn tay cho trẻ, đeo khẩu trang khi ra ngoài trời và sử dụng thức ăn hợp vệ sinh. Nếu trẻ bị sốt, chảy nước mũi hoặc mắc bệnh truyền nhiễm, nên nghỉ học, tránh tập trung nơi đông người hoặc tiếp xúc với trẻ khác để tránh lây bệnh.
Nhiều gia đình đã có kiến thức trong chăm sóc trẻ ốm. Tuy nhiên, phụ huynh cần tránh các sai lầm khiến trẻ bị bệnh nặng hơn, ví dụ trẻ chưa sốt cao đã cho uống thuốc hạ sốt, trẻ sốt cao nhưng không cặp nhiệt độ, không biết thân nhiệt của trẻ, vệ sinh tai mũi họng cho trẻ không đúng cách, thường xuyên rửa mũi họng cho con dù không bị viêm mũi họng, sử dụng miếng dán để hạ sốt không có tác dụng.
Giữ môi trường sống của trẻ thông thoáng, trong lành nhằm hạn chế sự lây nhiễm của các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm. Loại bỏ những nơi nước đọng nhằm ngăn chặn sự phát triển của muỗi vằn - trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết. Ngủ màn. Cho trẻ sử dụng các loại nước uống giàu khoáng chất, nhiều vitamin như nước ép trái cây, nước cam tươi, nước dừa tươi, nước sôi nguội... để bổ sung, tránh mất nước và giúp cơ thể mát mẻ, tăng đề kháng với bệnh tật.
Chuyên gia nhi khoa cũng khuyến cáo cha mẹ đưa con đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch để phòng bệnh hiệu quả.
Theo Chi Lê/VnExpress
https://vnexpress.net/benh-mua-he-o-tre-nho-4106564.html