Nghẹt mũi và đau đầu có thể là kết quả của các tình trạng lành tính như cảm lạnh và dị ứng. Tuy nhiên, đôi khi nguyên nhân gây ra chúng cần được chăm sóc y tế.
Dưới đây là một số nguyên nhân gây đau đầu và nghẹt mũi, cũng như các lựa chọn điều trị có sẵn, và khi nào thì cần tìm kiếm sự giúp đỡ y tế.
1. Viêm xoang
Viêm xoang là nguyên nhân có thể gây nghẹt mũi và đau đầu.
Viêm xoang là một nhiễm trùng ở xoang có thể gây tích tụ chất nhầy và phù nề. Theo Hội Dị ứng, Hen và Miễn dịch Mỹ (AAAAI), nhiễm trùng xoang cấp tính thường bắt đầu như cảm lạnh.
Cảm lạnh ban đầu có thể khiến xoang sưng lên, khiến vi khuẩn và chất nhầy bị mắc kẹt.
Theo AAAAI, viêm xoang mạn tính xảy ra khi một người bị nhiễm trùng xoang 3 lần trở lên trong một năm. Bệnh khiến xoang bị phù nề và tích tụ chất nhầy.
Các triệu chứng của viêm xoang bao gồm:
• cảm giác tức nặng quanh mắt, trán hoặc mũi
• nặng đầu
• nghẹt mũi
• ho
• chất nhầy đổi màu và đặc
• chảy nước mũi sau họng có mùi hôi
• cảm giác đầy trong tai
• đau đầu, đặc biệt là ở phía trước của đầu
• đau răng
• mệt mỏi
• sốt, mặc dù ít gặp hơn
Điều trị
Virus gây ra hầu hết các nhiễm trùng xoang, và có thể điều trị hầu hết các vấn đề về xoang bằng thuốc không kê đơn (OTC).
Tuy nhiên, nếu các vấn đề ở xoang vẫn tồn tại hoặc nặng lên sau 7 - 10 ngày, viêm xoang có khả năng là do vi khuẩn. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh. Kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng.
2. Cảm lạnh
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC), nghẹt mũi là một triệu chứng của cảm lạnh thông thường. Một số người cũng có thể bị đau đầu do cảm lạnh, mặc dù đây là triệu chứng ít gặp.
Các triệu chứng khác của cảm lạnh có thể bao gồm:
• ho hoặc đau ngực nhẹ
• đau nhức người
• đau họng
• hắt hơi
• sốt, mặc dù rất hiếm
• yếu hoặc mệt mỏi
Điều trị
Để điều trị cảm lạnh, bạn cần nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Bạn cũng có thể dùng thuốc OTC, như acetaminophen và ibuprofen.
Các biện pháp khắc phục tại nhà, như máy tạo độ ẩm hoặc vòi tắm nước nóng, cũng có thể giúp chống lại các triệu chứng.
Nếu các triệu chứng không hết trong vòng 10 – 14 ngày, nên nói chuyện với bác sĩ vì bạn có thể bị nhiễm trùng xoang.
3. Cúm
Cúm là một bệnh đường hô hấp xảy ra do virus cúm.
Những người bị cúm cũng có thể bị nghẹt mũi và đau đầu.
Các triệu chứng khác của cúm bao gồm:
• ho
• đau họng
• đau cơ
• mệt mỏi
• sốt, mặc dù không phải lúc nào cũng xảy ra
Một số người có thể bị nôn và tiêu chảy, nhưng triệu chứng này hay gặp ở trẻ em hơn ở người lớn.
Một số người có thể phát triển các biến chứng nghiêm trọng. Nên tìm sự trợ giúp y tế khẩn cấp nếu gặp phải bất kỳ vấn đề nào sau đây:
• khó thở
• đau ngực
• lú lẫn dai dẳng hoặc chóng mặt
• co giật
• đau cơ nghiêm trọng
• Yếu nghiêm trọng
Điều trị
Điều trị càng sớm càng tốt là một ý hay. Bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc kháng virút để giúp ngăn ngừa các biến chứng xảy ra.
4. Dị ứng
Dị ứng có thể gây nghẹt mũi và đau đầu. Khi dị ứng gây đau đầu, bạn có thể gặp các triệu chứng khác, chẳng hạn như:
• chảy nước mắt, ngứa
• sổ mũi
• đau ở mặt quanh má và mũi
Điều trị
Nên tránh các tác nhân gây dị ứng nếu có thể.
Phương pháp điều trị bao gồm các loại thuốc OTC, như thuốc kháng histamin và thuốc giảm sung huyết mũi.
Nếu thuốc OTC không hiệu quả, nên nói chuyện với bác sĩ về thuốc kê đơn hoặc thuốc chống dị ứng.
5. Virus hợp bào hô hấp (RSV)
Virus hợp bào hô hấp (RSV) là một nhiễm trùng ở mũi, phổi và họng. Mặc dù ai cũng có thể bị nhiễm, virus này phổ biến hơn ở trẻ em và là một nguyên nhân gây viêm phế quản ở trẻ em.
Virus có thể gây đau đầu âm ỉ hoặc nhẹ và nghẹt mũi.
Trong một số trường hợp, RSV có thể gây ra các triệu chứng khác như:
• ho
• sốt
• mệt mỏi
• khó thở
• đau họng
• thở khò khè
Điều trị
Hầu hết người lớn và trẻ em khỏe mạnh đều có thể điều trị RSV tại nhà, và bệnh sẽ hết sau 1 – 2 tuần.
Trong những trường hợp này, thuốc trị cảm lạnh không kê đơn sẽ giúp giảm triệu chứng. Tuy nhiên, nên nói chuyện với bác sĩ trước khi dùng thuốc cho trẻ em.
Người lớn tuổi, trẻ dưới 1 tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu có nguy cơ mắc các triệu chứng nghiêm trọng cao hơn và nên đi khám nếu thấy khó thở.
6. Viêm tai
Viêm tai có thể gây đau đầu và nghẹt mũi. Cả virus và vi khuẩn đều có thể gây viêm tai.
Chất lỏng từ tai có thể thoát vào đường mũi và gây nhiễm trùng trong mũi.
Một số triệu chứng hay gặp phổ biến của viêm tai bao gồm:
• giảm thính lực
• chảy dịch
• sốt
• khó ngủ
• vấn đề về thăng bằng
Điều trị
Một số biện pháp tại nhà có thể giúp giảm nhẹ viêm tai. Một số bước có thể thực hiện bao gồm:
• thuốc giảm nghẹt mũi OTC
• chườm ấm
• nghỉ ngơi
• uống nhiều nước
• dùng thuốc giảm đau OTC
• sử dụng thuốc nhỏ tai OTC
Nếu điều trị tại nhà không hiệu quả, nên đi khám bác sĩ. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị viêm do vi khuẩn. Nên đi khám nếu thấy những triệu chứng sau:
• sốt cao từ 38,8oC trở lên
• các triệu chứng nặng lên
• giảm thính lực
• tai chảy mủ hoặc chảy dịch
7. Đau nửa đầu
Đau nửa đầu (đau đầu mi-ren) là những cơn đau đầu dữ dội thường ở một bên đầu. Đau nửa đầu có thể gây nghẹt mũi.
Đau nửa đầu có thể là mãn tính, có nghĩa là cơn đau có thể tái đi tái lại.
Các triệu chứng khác có thể bao gồm:
• buồn nôn
• nhạy cảm với ánh sáng
• thay đổi thị lực
• nôn
Điều trị
Có nhiều lựa chọn điều trị khác nhau cho đau nửa đầu, mặc dù chúng có thể không hiệu quả với tất cả mọi người.
Điều trị thường tập trung vào việc ngăn chặn cơn đau hoặc điều trị triệu chứng. Bạn nên nói chuyện với bác sĩ về các lựa chọn điều trị tốt nhất đối với bạn.
8. Polyp mũi
Polyp mũi là những khối u lành tính trong đường mũi. Một số polyp mũi có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.
Một số khác có thể gây ra:
• chảy nước mũi
• nặng mặt
• nghẹt mũi
• giảm khứu giác
Điều trị
Các bác sĩ thường điều trị polyp mũi bằng steroid và nước muối. Theo AAAAI, steroid sẽ làm giảm kích thước của polyp. Tuy nhiên, polyp thường quay trở lại, và một số người có thể phải sử dụng steroid lâu dài hoặc, đôi khi phải phẫu thuật.
9. Mang thai
Mang thai có thể gây đau đầu và nghẹt mũi.
Một loạt các yếu tố, bao gồm thay đổi hormon, trong khi mang thai có thể khiến người phụ nữ bị đau đầu và nghẹt mũi.
Theo một bài báo năm 2012, viêm mũi rất hay gặp trong khi mang thai. Các triệu chứng khác của viêm mũi có thể bao gồm hắt hơi và sổ mũi.
Phụ nữ đang mang thai nên nói chuyện với bác sĩ về bất kỳ triệu chứng nào mà mình gặp phải.
Điều trị
Bác sĩ có thể đề nghị các thuốc hoặc liệu pháp an toàn để giúp điều trị đau đầu.
Phụ nữ mang thai cũng có thể thử:
• yoga khi mang thai
• thực hành tư thế tốt
• mát xa cổ và vai
• nghỉ ngơi nhiều hơn
• ăn uống tốt
• sử dụng túi chườm lạnh để giảm đau đầu do căng thẳng
• dùng khăn ấm đắp lên mắt và mũi nếu nguyên nhân là đau đầu do xoang
Chẩn đoán
Trong một số trường hợp, người bệnh có thể biết điều gì gây ra đau đầu và nghẹt mũi và không cần chẩn đoán mỗi lần.
Tuy nhiên, bạn có thể muốn gặp bác sĩ nếu không biết nguyên nhân gây đau đầu và nghẹt mũi hoặc các triệu chứng trở nên nặng hơn. Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và tiến hành khám thực thể.
Trong một số trường hợp như dị ứng, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm để tìm dị ứng hoặc các dấu hiệu khác về bệnh lý nền.
Phòng ngừa
Tùy theo nguyên nhân, không phải lúc nào cũng có thể ngăn ngừa nghẹt mũi và đau đầu.
Mọi người nên thực hiện các bước rửa tay thường xuyên để tránh tiếp xúc với virus, bao gồm cúm, cảm lạnh hoặc RSV. Thực hiện các bước để tránh các tác nhân gây dị ứng hoặc kích hoạt cơn đau nửa đầu.
Khi nào đi khám bác sĩ
Người thường xuyên bị cảm lạnh, dị ứng hoặc đau nửa đầu không nhất thiết phải gặp bác sĩ mỗi khi chúng xảy ra. Nếu các triệu chứng trở nên nặng hơn hoặc thay đổi, bạn nên nói chuyện với bác sĩ.
Cũng nên nói chuyện với bác sĩ nếu có bất kỳ tình trạng ngạt mũi và đau đầu không giải thích được. Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh lý nền cần điều trị.
Tóm lược
Nghẹt mũi và đau đầu thường là kết quả của một bệnh nhẹ như cảm lạnh hoặc dị ứng.
Một số người có thể phát triển các tình trạng nghiêm trọng hơn như viêm xoang do vi khuẩn, đau nửa đầu hoặc viêm tai.
Nên nói chuyện với bác sĩ nếu cảm lạnh kéo dài hơn một tuần hoặc các triệu chứng nghiêm trọng khác có thể chỉ ra một vấn đề lớn hơn.
Điều trị thường có thể thực hiện tại nhà với thuốc giảm đau OTC và thuốc trị nghẹt mũi.
Phòng ngừa nên bao gồm rửa tay đúng cách và tránh các tác nhân gây dị ứng hoặc gây đau nửa đầu.
Theo Cẩm Tú/Dân trí (nguồn MNT)
https://dantri.com.vn/suc-khoe/9-nguyen-nhan-gay-nghet-mui-va-dau-dau-20200522202029708.htm