3 vụ ngộ độc nấm xảy ra gần đây nhất khiến 6 người tử vong, 1 người nguy kịch. Theo các bác sĩ, so với các loại ngộ độc khác thì ngộ độc nấm xảy ra ít hơn về số ca, nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao.
Ảnh minh họa: Internet
3 cháu bé ở Điện Biên đi hái nấm rừng về ăn, không may trúng nấm độc khiến cả 3 tử vong. Vụ ngộ độc thương tâm xảy ra tại thôn Na Cô Sa 3, xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên.
Trước đó, chiều tối ngày 25/4, có 3 cháu bé là Hạng Thị Phua, 14 tuổi cùng em gái Hạng Thị Tang, 12 tuổi và Giàng Thị Sư, 6 tuổi đi vào rừng hái nấm về ăn.
Sau ăn, cả 3 cháu thấy đau đầu, đau bụng, buồn nôn, không thể ăn uống được gì. Sáng 27/4, khi thấy tình trạng 3 cháu nặng lên, gia đình mới chuyển các cháu đến trạm y tế xã cấp cứu nhưng cháu Tang đã tử vong ngay sau đó.
2 bệnh nhi còn lại được chuyển đến Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ điều trị rồi được chuyển tiếp đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên nhưng sau 5 ngày điều trị tại đây, cả 2 cháu cũng không qua khỏi do chất độc đã ngấm quá sâu vào cơ thể.
Trước đó nữa, vào đầu tháng 4 khi 2 bé trai tại huyện Nậm Pồ đã bị tử vong do ăn nhầm nấm độc khi đi chăn trâu.
Điều trị cho bệnh nhân ngộ độc nấm tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội.
Một vụ ngộ độc nấm nữa trong thời gian gần đây cũng đã xảy ra tại gia đình ông Vì Văn Pản, trú tại bản Nà Hiên, xã Phiêng Pằn (xã vùng 3), huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Sau khi ăn bữa cơm chiều có món nấm màu trắng hơi nâu hái ở rừng về chế biến, sáng hôm sau vợ, chồng ông Pản có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, tim đập nhanh và mệt nhiều. Ông Pản cùng vợ được người thân đưa vào Bệnh viện huyện Mai sơn trong tình trạng nguy kịch, ngay sau đó đã được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La rồi chuyển xuống Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Còn bà Vì Thị P vợ ông Pản đã tử vong khi vừa chuyển đến Bệnh viện tỉnh.
BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tình trạng ngộ độc nấm thường xảy ra rầm rộ vào mùa xuân, mùa hè, đặc biệt tại các tỉnh miền núi.
Theo Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế cho biết, trên thực tế có hàng nghìn loại nấm. Tuy nhiên, số loại nấm độc không nhiều, nhưng để phân biệt giữa nấm độc với không độc rất khó, với người dân thường xuyên nhầm lẫn, kể cả với chuyên gia cũng có thể nhầm. Vì vậy người dân hái nấm hoang ăn rất dễ bị ngộ độc.
Nấm độc nhất gây tử vong thường là nấm trông đẹp, bắt mắt và ngon. Do đó, người dân tuyệt đối không hái nấm hoang dại ăn. Nấm hoang dại kể cả nấm màu trắng, nấm nhìn có lành và ngon đến mấy, thậm chí ai đó quả quyết là loại nấm không độc thì cũng không ăn...
Ngộ độc nấm gồm có biểu hiện sớm và muộn. Biểu hiện sớm thường xuất hiện sau khi ăn từ 30 phút đến 2 giờ, tối đa là 6 giờ và biểu hiện muộn xuất hiện sau khi ăn từ 6 đến 40 giờ, trung bình 12 giờ.
Mức độ ngộ độc tùy thuộc vào các loại nấm. Dấu hiệu ngộ độc thường xuất hiện sau khi ăn nấm 20 - 30 phút. Nạn nhân thấy nôn nao, khó chịu, có khi đau bụng dữ dội hoặc nôn ra máu, đi ngoài nhiều lần, phân có mùi hôi tanh; người mệt nhừ, lạnh toát, có khi nổi mẩn đỏ; nếu nặng thì co giật, hôn mê. Các triệu chứng xuất hiện càng chậm thì mức ngộ độc càng nặng, có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Loại nấm mà gia đình ông Vì Văn Pản, trú tại bản Nà Hiên, xã Phiêng Pằn (xã vùng 3), huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã ăn khiến 1 người chết, 1 người nguy kịch.
Ngộ độc nấm xuất hiện chậm quá 6 giờ sau ăn, có nghĩa là khi đó các chất độc đã vào sâu cơ thể, các biện pháp cấp cứu ban đầu gần như hết tác dụng. Bệnh nhân đến viện muộn, bị tổn thương đường tiêu hóa, viêm gan, suy thận rất dễ tử vong, tỉ lệ tử vong thường rất cao tới 50% hoặc có thể hơn.
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo cách phòng ngừa và xử trí khi bị ngộ độc nấm:
Xử trí
- Ngay khi có triệu chứng ngộ độc nấm phải gây nôn, rồi chuyển đi cấp cứu ở trung tâm y tế gần nhất để chữa trị kịp thời: Rửa dạ dày, cho uống than hoạt tính sớm.
- Đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng đến cơ sở y tế.
- Mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến từ nấm còn lại mang tới cơ sở y tế để sơ bộ xác định loài nấm.
Dự phòng ngộ độc nấm
- Xác định thời gian từ lúc ăn nấm đến lúc có triệu chứng ngộ độc nấm: Nếu dưới 6 tiếng: điều trị ở xã, huyện; nếu hơn 6 tiếng gửi bệnh nhân lên bệnh viện tỉnh nơi có điều kiện lọc máu.
- Chỉ sử dụng khi biết chắc chắn nấm ăn được
- Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm mầu trắng, nấm có đủ các phần của thể quả(mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc)đặc biệt là những loại nấm có đầy đủ vòng cuống, bao gốc thường là nấm độc.
- Không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ
- Không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc.
- Nấm tươi ăn được mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc.
- Không ăn nấm đã bị thối rữa, ôi thiu.
Theo Hòa Thuận/Tiền phong
https://www.tienphong.vn/suc-khoe/nhieu-ca-tu-vong-vi-an-nam-dau-hieu-ngo-doc-can-biet-de-xu-tri-kip-thoi-1652270.tpo