Học và làm việc online trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19 có thể khiến đôi mắt bị căng thẳng, dẫn đến nhiều vấn đề về thị lực.
Giải lao: Làm việc liên tục trong nhiều giờ có thể gây đau mắt và đau vai gáy. Bạn nên giải lao mỗi 45 phút nhằm thư giãn mắt và giảm áp lực lên các cơ.
Điều chỉnh ánh sáng: Nếu không gian làm việc quá sáng do có ánh sáng từ bên ngoài, áp lực lên mắt có thể đạt mức tối đa, gây đau mắt và các vấn đề thị lực khác. Bạn nên điều chỉnh ánh sáng phù hợp.
Điều chỉnh vị trí màn hình: Bạn nên đặt máy tính hoặc laptop ngang bằng hoặc thấp hơn tầm mắt một chút. Điều này giúp giảm áp lực lên mắt, đồng thời ngăn tình trạng đau cổ và vai gáy.
Sử dụng màn hình chống lóa: Máy tính và laptop có màn hình chống lóa giúp kiểm soát lượng ánh sáng phản chiếu qua màn hình, từ đó giúp giảm áp lực lên mắt người sử dụng.
Sử dụng cỡ chữ lớn: Cỡ chữ lớn hơn sẽ giúp giảm áp lực thị giác trong khi làm việc trên thiết bị điện tử. Bạn cũng nên để màu chữ đen trên nền trắng để giúp mắt thoải mái nhất.
Chớp mắt thường xuyên hơn: Chớp mắt giúp giữ ẩm cho mắt và ngăn các triệu chứng khô mắt. Khoảng 1/3 trong chúng ta quên chớp mắt sau nhiều giờ làm việc liên tục. Hãy tạo thói quen chớp mắt 10 - 20 lần/phút để giảm áp lực cho mắt.
Đeo kính đúng độ: Áp lực thị giác kéo dài có thể gây tổn thương mắt, thậm chí đục thủy tinh thể. Đeo kính đúng độ cận/viễn/loạn của mắt giúp giảm áp lực này.
Luyện mắt: Luyện mắt giúp giữ cho cơ mắt khỏe và giảm nguy cơ mắc các tật khúc xạ mắt. Bạn nên luyện mắt bằng cách rời mắt khỏi màn hình sau mỗi 20 phút, tập trung nhìn vào vật cách xa mình khoảng 6m trong vòng 20 giây.
Sử dụng kính chống ánh sáng xanh: Kính chống ánh sáng xanh giúp ngăn mỏi mắt, mờ mắt, lóa mắt và đau đầu do sử dụng thiết bị điện tử.
Tránh để màn hình thiết bị quá gần mắt: Để màn hình thiết bị điện tử quá gần mắt làm tăng nguy cơ mỏi mắt. Dù bạn làm việc trên điện thoại hay máy tính, hãy luôn giữ thiết bị cách mắt 50 -100cm./.
Theo CTV Ngọc Diệp/VOV.VN (biên dịch)
Nguồn boldsky
https://vov.vn/suc-khoe/cach-bao-ve-mat-khi-hoc-tap-va-lam-viec-online-1035610.vov