Các nhà di truyền học ghi nhận nCoV có ba biến thể, nguồn gốc từ loài dơi nhưng đã phát triển theo cách khác nhau.
Nghiên cứu được các nhà di truyền học người Anh và Đức công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia hôm 8/4. Phân tích 160 bộ gene virus hoàn chỉnh đầu tiên được giải trình tự từ các bệnh nhân nhập viện từ ngày 24/12 đến 4/3, họ vạch ra con đường nCoV tiến hóa và xác định ba biến chủng của nó. Điều này giúp chỉ ra nguồn gốc và giải thích vì sao căn bệnh dễ lây lan.
"Có rất nhiều đột biến xảy ra nhanh chóng nên việc theo dõi phả hệ của virus khá khó khăn. Chúng tôi áp dụng một thuật toán để trực quan hóa tất cả các nhánh", Peter Forster, nhà di truyền học Đại học Cambridge, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
"Kỹ thuật này vốn được sử dụng để lập bản đồ tiến hóa của người thông qua DNA. Chúng tôi nghĩ đây là lần đầu tiên nó được dùng để theo lõi đường lây lan của một loại virus như nCoV", ông bổ sung trong một báo cáo.
Nhà nghiên cứu Trung Quốc đang thử nghiệm các mẫu bệnh phẩm Covid-19. Ảnh: EPA-EFE
Nhóm nghiên cứu gọi ba biến thể là A, B và C.
A gần gũi nhất với chủng nCoV phát hiện ở dơi. Dù xuất hiện ở Vũ Hán, tâm dịch đầu tiên trên thế giới, đây không phải biến chủng chính tồn tại trong thành phố. Chủng A được tìm thấy ở những người Mỹ sống tại Vũ Hán, một số ở Australia.
Biến thể phổ biến nhất tại Vũ Hán là B. Trước khi đột biến, virus chỉ tồn tại ở Đông Nam Á. Các nhà khoa học cho rằng điều kiện sống bên ngoài khu vực không phù hợp với biến chủng này.
C là biến thể chính ở châu Âu, trong đó có Pháp, Italy, Thuỵ Điển và Anh. C không được ghi nhận ở bất cứ bệnh nhân Trung Quốc đại lục nào, song được phát hiện ở Singapore, Hong Kong và Hàn Quốc.
Các nhà khoa học kết luận biến thể A là căn nguyên của đợt bùng phát, bởi nó liên quan chặt chẽ với virus được tìm thấy trên dơi và tê tê. C phát triển từ B. B nguồn gốc từ A, được phân tách bằng hai đột biến.
"Chủng virus loại B ở Vũ Hán có thể thích nghi về mặt miễn dịch hoặc môi trường ở Đông Á. Để tồn tại bên ngoài khu vực, chúng cần biến đổi. Có thể thấy tốc độ đột biến ở Đông Á chậm hơn những nơi khác trong giai đoạn đầu", ông Forster nhận định.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hoạt động sống của con người là nguyên nhân chính khiến virus lan truyền một cách nhanh chóng. Mầm bệnh đầu tiên của Italy là một khách du lịch người Mexico, được chẩn đoán hôm 28/2. Nguời này lây bệnh khi ở Đức, tiếp xúc với đồng nghiệp mang virus ngày 27/1.
Trước đó, đồng nghiệp người Đức nhiễm nCoV khi tới Trung Quốc, gặp cha mẹ ở Vũ Hán.
"Từ phả hệ virus, chúng tôi có thể theo dõi con đường lây nhiễm từ người này sang người khác, tiến hành thống kê để ngăn chặn các đợt tái bùng phát trong tương lai", ông Forster nói.
Theo Thục Linh/VnExpress
https://vnexpress.net/tim-ra-pha-he-cua-ncov-4083818.html