Thắc mắc chung của hầu hết các nhà khoa học trong vấn đề này là “Liệu những người được xuất viện đó đã thực sự khỏi bệnh hay chưa?".
Theo thông tin nhà chức trách Nhật Bản công bố, một người phụ nữ sống ở Osaka đã bị nhiễm Covid-19 lần thứ 2, sau khi đã được chữa khỏi căn bệnh này và xuất viện cách đó vài tuần. Cụ thể, người phụ nữ này là một nhân viên xe bus và được chẩn đoán mắc Covid-19 vào cuối tháng. Sau thời gian chữa trị, các triệu chứng bệnh lý biến mất và với kết quả xét nghiệm âm tính, bệnh nhân này đã được ra viện. Tuy nhiên, sau 3 tuần, nhân viên xe bus này trở lại viện trong tình trạng đau họng, tức ngực, đáng chú ý là xét nghiệm virus corona đã cho kết quả dương tính.
Nguy cơ tái nhiễm virus corona cũng được chỉ ra trong một báo cáo của giới chức y tế Trung Quốc vào đầu tháng 2: Hồi phục sau khi mắc Covid-19 không có có nghĩa là chắc chắn sẽ miễn nhiễm hoàn toàn với sự tấn công của virus corona, trong tương lai. Điều này đồng nghĩa với việc, những người đã từng mắc Covid-19 vẫn cần phải đề phòng với căn bệnh này, sau khi đã được chữa khỏi. Tại Vũ Hán cũng đã ghi nhận trường hợp 4 nhân viên y tế được chữa khỏi Covid-19 và trở về nhà, sau đó lại cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona.
Những trường hợp được thông báo là tái nhiễm virus corona, được ghi nhận đến thời điểm hiện tại, vẫn đang đặt ra cho các chuyên gia nhiều câu hỏi về tính xác thực. Thắc mắc chung của hầu hết các nhà khoa học trong vấn đề này là “Liệu những người được xuất viện đó đã thực sự khỏi bệnh hay chưa?”.
Trên thực tế, việc một người vẫn mang virus corona trong người được xuất viện hoàn toàn có thể xảy ra, xuất phát trong các sai sót từ khâu xét nghiệm sự hiện diện của virus, trong cơ thể người bệnh như: Các thao tác được tiến hành sai, bảo quản mẫu không đúng quy định khiến virus bị chết… Một cách lý giải khác được các chuyên gia đưa ra là các trường hợp này ở lần nhiễm bệnh tiếp theo, đã bị tấn công bởi một chủng virus corona khác hoặc chủng SARS-CoV-2 đã biến đổi. Để làm sáng tỏ điều này, không có cách nào khác ngoài việc giải toàn bộ trình tự gen của mầm bệnh, đang nằm trong người các bệnh nhân này.
“Kết quả xét nghiệm dương tính virus corona sau khi bệnh nhân đã xuất viện có thể đến từ các mảnh cấu trúc của virus đang trôi dạt trong cơ thể bệnh nhân, thay vì những con virus sống vẫn có khả năng gây bệnh và lây nhiễm” – Nhà dịch tễ học Mark Lipsitch, Đại học Havard phân tích.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, TS Susan Kline, Đại học Minnesota lại nhận định: “Đó có thể là sự bùng phát trở lại của virus corona ban đầu”. TS Susan Kline phân tích rõ hơn, sau khi mắc một loại bệnh nào đó và hồi phục, ví dụ như bệnh cảm lạnh cũng do họ virus corona gây ra, cơ thể chúng ta sẽ sản sinh ra các kháng thể đặc hiệu, để bảo vệ trước sự xâm nhập trở lại của mầm bệnh này. Đáp ứng miễn dịch này sẽ suy yếu dần theo thời gian nhưng thường kéo dài hơn 3 tuần.
Do đó, nếu những trường hợp tái nhiễm được công bố thực sự đã khỏi bệnh sau lần điều trị đầu tiên, sẽ mất nhiều thời gian hơn để họ có thể tái nhiễm, so với thực tế những gì chúng ta biết. “Dịch bệnh này mới chỉ bùng phát được trên 2 tháng, tôi sẽ rất kinh ngạc nếu quả thực những người này có thể bị tái nhiễm, chỉ trong thời gian ngắn như vậy” - TS Susan Kline nhấn mạnh.
Cách giải thích cho kết quả âm tính ở lần đầu tiên của các trường hợp tái nhiễm của TS Susan Kline cũng khá tương đồng với nhà dịch tễ học Mark Lipsitch: “Phương pháp xét nghiệm Covid-19 đang được áp dụng hiện nay là RT-PCR. Phương pháp này có độ nhạy không quá cao. Vì vậy, đòi hỏi một lượng vật chất di truyền nhất định của virus corona để cho kết quả chính xác. Trong trường hợp tải lượng virus quá thấp có thể dẫn đến kết quả âm tính sai. Điều này có thể xảy ra khi hệ miễn dịch của người bệnh hình thành đáp ứng đủ mạnh”.
Dù sao thì việc đưa ra kết luận cuối cùng về vấn đề tái nhiễm Covid-19, ở thời điểm hiện tại, vẫn còn quá sớm khi mà số trường hợp tái nhiễm được công bố vẫn đang quá ít ỏi.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/co-hay-khong-viec-tai-nhiem-covid-19-sau-khi-da-duoc-dieu-tri-khoi-20200303155608292.htm