Phát hiện giọng nói trẻ thay đổi, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi khám bác sĩ và thay vì lo lắng hãy tìm hiểu kỹ triệu chứng này.
Khàn tiếng chiếm khoảng 2% trong số các trường hợp trẻ em bị thay đổi giọng và đây là dấu hiệu mà các bậc phụ huynh phải lưu ý để đưa trẻ đi khám. Khàn tiếng ảnh hưởng tới khả năng giao tiếp, tập đọc và học ngoại ngữ... của trẻ.
90% là trẻ bị viêm thanh quản cấp
Theo PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Chuyên gia Tai Mũi Họng, khi trẻ xác định thay đổi giọng do viêm thanh quản cấp, bố mẹ cần đưa trẻ đi khám và điều trị toàn thân bằng kháng sinh (nếu bác sĩ thấy cần), kháng viêm, chống dị ứng.
Trường hợp này trẻ cũng có thể được điều trị tại chỗ bằng khí dung, nhỏ thuốc thanh quản (tùy tuổi và khả năng hợp tác) và làm ấm cơ thể tại chỗ. Bệnh sẽ lui và giọng trẻ sẽ trở lại bình thường từ 7-10 ngày.
(Ảnh minh họa)
Viêm thanh quản mạn
Trong trường hợp trẻ khàn tiếng kéo dài trên 3 tháng, sẽ cần phải xem xét khả năng trẻ bị tổn thương thanh quản do trẻ “lạm dụng giọng nói” của mình. Bác sĩ sẽ khám, điều trị nội khoa và hướng dẫn cha mẹ cách phối hợp chữa bệnh và chăm sóc trẻ.
PGS.TS Phạm Thị Bích Đào cho biết, loại khàn tiếng này thường phải chữa lâu ngày và rất cần sự hợp tác của trẻ và cha mẹ. Theo đó, trẻ phải điều trị bằng thuốc và luyện tập.
“Trẻ phải được điều trị ngay các viêm nhiễm tại vùng mũi họng khi mới bắt đầu xuất hiện (ví dụ: ngạt mũi, chảy mũi, ho, sốt, đau họng…) vì những tác động viêm nhiễm của mũi họng sẽ ảnh hưởng lớn tới tiến triển điều trị của thanh quản. Cha mẹ cần quan tâm đến trẻ hơn, giải thích để trẻ tự kiềm chế việc nói quá sức, la hét của mình”, PGS.TS Phạm Thị Bích Đào nói.
Bác sĩ cũng có thể chỉ định phẫu thuật nếu trẻ có tổn thương tại thanh quản rõ ràng như hạt xơ dây thanh, polip, u nang…
Xử trí hạt xơ dây thanh ở trẻ
Với những trẻ nhỏ dưới 12 tuổi, nếu là hạt xơ nhỏ, không ảnh hưởng đến khả năng học tập của trẻ, chỉ nên điều trị nội khoa - tức là điều trị bằng thuốc và các bài tập về phát âm kết hợp với loại bỏ dần thói quen sử dụng giọng quá thái của những trẻ bị hạt xơ dây thanh. Sau 12 tuổi, do sự phát triển của nội tiết tuổi trưởng thành, hạt xơ có thể hết.
Trường hợp trẻ tái phát hạt xơ sau phẫu thuật có thể xảy ra nếu trẻ vẫn sử dụng giọng quá mức thì khả năng tái phát lên trên 90%.
PGS.TS Phạm Thị Bích Đào cũng cho biết, với những trẻ hạt xơ quá to, âm tạo ra không đảm bảo khả năng học tập và giao tiếp của trẻ, cha mẹ nên cân nhắc việc phẫu thuật cho trẻ. Tuy nhiên, các trường hợp này, trẻ phải được đặt dưới sự theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ chuyên khoa.
Hỗ trợ trẻ tập phát âm ngay sau phẫu thuật
Trẻ sau phẫu thuật có thể điều trị duy trì tại chỗ bằng các thuốc khí dung hoặc nhỏ thuốc vào thanh quản (nếu có thể). Điều trị ngay mỗi khi trẻ có đợt viêm cấp vùng mũi họng./.
Theo VOV.VN
https://vov.vn/suc-khoe/thay-doi-giong-o-tre-em-co-dang-lo-khong-1016397.vov