Sau cái chết của nhiều nhân viên y tế có tuổi đời còn trẻ vì Covid-19, liệu chúng ta có nên nghĩ lại về đối tượng chịu nhiều rủi ro nhất từ dịch bệnh đang lây lan toàn cầu này?
Theo TS Bharat Pankhania, chuyên gia kiểm soát dịch bệnh cộng đồng, Đại học Y Exeter (Vương quốc Anh), việc nhiều trường hợp những người trẻ và có thể chất khỏe mạnh đã tử vong, sau khi nhiễm virus corona mới là không hề quá bất ngờ.
“Tất cả chúng ta đều có nguy cơ bị lây nhiễm virus corona mới. Do đó, chúng ta cần triệt để thực hiện các biện pháp để không cho mầm bệnh này lây lan tự do ngoài cộng đồng” – Chuyên gia này cho biết.
Đồng tình với quan điểm này, GS David Heymann, chuyên gia dịch tễ học đến từ Đại học London (Vương quốc Anh) nói: “Đây là một loại dịch bệnh mới, vì vậy về cơ bản không ai trong chúng ta có khả năng miễn nhiễm với Covid-19”.
GS David Heymann cho rằng, nguy cơ lây nhiễm và mức độ nghiêm trọng của bệnh phụ thuộc chủ yếu vào đáp ứng miễn dịch của từng cá nhân với virus corona mới. Theo kết quả ghi nhận được đến thời điểm hiện tại, Covid-19 gây rủi ro cao hơn ở nhóm người già. Tuy nhiên, các ca tử vong vẫn rải rác ở khắp các độ tuổi.
Câu trả lời ngắn gọn là: Có. TS Bharat Pankhania nhận định: “Không ngạc nhiên khi nhiều nhân viên y tế đã bị lây nhiễm và một số người cũng đã tử vong”. Theo chuyên gia này giải thích, điều này là do đặc thù công việc nên lực lượng y tế thường xuyên phơi nhiễm với mầm bệnh. “Dù được áp dụng các biện pháp phòng hộ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, việc thường xuyên tiếp xúc gần với mầm bệnh khiến nhân viên y tế có rủi ro lây nhiễm, một khi lớp phòng hộ của họ bị sơ hở. Điều này cũng giống như trên chiến trường, dù có được bảo vệ đến đâu nhưng 1 viên đạn lạc cũng có thể vô tình cướp đi mạng sống của bạn” - TS Bharat nhấn mạnh.
Chuyên gia này bổ sung thêm: “Việc một phần nào đó của đồ phòng hộ bị hở nhẹ ra là điều hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là trong trường hợp họ đã phải làm việc liên tục suốt nhiều giờ đồng hồ, phải đối mặt với stress và mệt mỏi”.
Về vấn đề này, theo GS Heymann, trong môi trường bệnh viện, tải lượng virus mà các nhân viên y tế bị phơi nhiễm chắc chắn sẽ cao hơn ngoài cộng đồng. Nếu chẳng may bị lây nhiễm, tải lượng virus thâm nhập vào cơ thể cao có thể khiến hệ miễn dịch của cơ thể yếu thế hơn hẳn, từ đó khiến các triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn.
TS Bharat Pankhania cho biết, đại dịch cúm xảy ra vào năm 1918 có thể là một manh mối cho vấn đề xuất hiện ở dịch Covid-19 lần này. Theo đó, trong đại dịch năm 1918, những bệnh nhân trẻ tuổi cho thấy hệ miễn dịch của họ đã phản ứng quá mức với mầm bệnh và gây thêm tổn thương cho cơ thể. “Phản ứng miễn dịch vượt tầm kiểm soát có khiến cơ thể bị mất nước và các cơ quan bị tổn thương” - TS Bharat nói. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng, cái chết của các ca bệnh trẻ trong đợt dịch Covid-19 lần này liệu có liên quan đến phản ứng miễn dịch quá mức hay không, thì vẫn cần nhiều bằng chứng nữa để làm sáng tỏ.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/ai-la-nguoi-co-nguy-co-bi-lay-nhiem-covid-19-cao-nhat-20200224002835169.htm