Người phụ nữ 31 tuổi mắc phì đại tuyến vú, sau sinh ngực chảy xuống bụng, ảnh hưởng đến cuộc sống và thẩm mỹ.
20 tuổi, là sinh viên, ngực của cô gái phát triển không ngừng. Cô luôn phải mặc áo thật rộng che đi vòng một. Năm 2014, vòng ngực quá khổ gây khó thở, khó khăn đi lại và đau đớn như kim châm vào mỗi kỳ kinh nguyệt, cô đến một bệnh viện tại TP HCM thăm khám, được chẩn đoán phì đại tuyến vú. Bác sĩ chỉ định cắt bỏ 1/3 tuyến vú.
Sau phẫu thuật, vòng một của cô chỉ nhỏ được một thời gian ngắn, sau đó to lên rất nhanh, đặc biệt vào năm 2018 khi cô mang song thai con đầu lòng.
"Ở tháng thứ 3 thai kỳ, ngực tôi to gấp 3 lần so với thời điểm trước khi mang bầu dù người rất gầy", bệnh nhân chia sẻ. Đến tháng thứ 5, ngực to gấp 5-6 lần, tương đương chiếc mũ bảo hiểm và đến tháng thứ 8, mỗi bên ngực to bằng chiếc xô đựng nước.
Để có thể vận động được, cô phải mặc cùng lúc 3 chiếc áo ngực ngoại cỡ dành cho người siêu béo, trong đó 2 chiếc vắt chéo, một chiếc mặc ngang. Cũng do ngực quá lớn, cô đã phải nghỉ làm việc, rất tự ti.
Ở tháng thứ 8, cô sinh mổ, đón 2 bé trai khỏe mạnh. Một tuần sau sinh, ngực cô vẫn giữ nguyên kích thước nhưng sau đó xẹp dần và thõng xuống rất nhanh. Sau 7 tháng sinh con, 2 bên ngực trễ dài quá cạp quần, trong đó bên phải dài 49 cm, bên trái dài 46 cm, gây cản trở sinh hoạt rất lớn.
"Hằng đêm, tôi phải vắt ngực sang 2 bên để ngủ", nữ bệnh nhân nói.
Bác sĩ đo ngực bệnh nhân trước khi phẫu thuật. Ảnh: T.H
Mong muốn được giải thoát bộ ngực khổng lồ, cô đến gặp giáo sư Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội để nhờ tư vấn. Ca phẫu thuật giải cứu bộ ngực diễn ra vào trưa 17/2.
Giáo sư Sơn cho biết bệnh nhân bị phì đại tuyến vú khiến ngực to nhanh rồi chảy xệ. Với tình trạng hiện tại, nếu không phẫu thuật, mỗi tháng ngực bệnh nhân sẽ dài thêm khoảng 5 cm.
Khác với nhiều nước vẫn đang sử dụng phương pháp phẫu thuật cổ điển Thorek - cắt rời tuyến vú, lấy phần quầng và núm vú ghép lên trên để tạo hình thẩm mỹ, từ nhiều năm nay, giáo sư Sơn đã áp dụng phương pháp thu gọn vú có bảo tồn, giúp bệnh nhân giữ nguyên được cảm giác, cho con bú bình thường và vẫn đảm bảo hình thể tuyến vú.
"Phương pháp cũ chỉ đảm bảo về mặt thẩm mỹ, các ống tuyến bị cắt đứt lìa, dây thần kinh cảm giác cũng đứt nên bệnh nhân mất cảm giác, mất tuyến sữa", Giáo sư Sơn chia sẻ.
Với phương pháp mới, bác sĩ sẽ siêu âm doppler để xác định được mạch máu nuôi quầng núm vú, lần theo đường đi của cuống nuôi để thiết kế vạt mang quần núm vú. Sau khi cắt thu nhỏ tuyến vú, bác sĩ sẽ cuộn vạt lên để tạo hình bầu vú. Kỹ thuật này sẽ giúp quầng núm vú có tỷ lệ sống cao, tỷ lệ rối loạn cảm giác rất thấp.
Trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ dùng thước đo, tính toán chi tiết các phần da thừa cần cắt bỏ, vị trí cuộn lên cũng như kích thước vú sau khi tạo.
Với người phụ nữ này, sau hơn 2 giờ phẫu thuật, bác sĩ đã cắt bỏ mỗi bên ngực gần 2 kg, để đảm bảo kích thước ngực về mức trung bình 200-300 cc.
Sau mổ một ngày, bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo, ăn uống bình thường, có thể đi lại nhẹ nhàng, vết mổ khô. Dự kiến 4 ngày nữa, bệnh nhân sẽ được xuất viện.
Giáo sư đã mổ khoảng 50 ca phì đại tuyến vú khổng lồ với thể tích vú từ 1.000 cc đến 2000 cc, tuy nhiên những ca phì đại và sa trễ đến nửa mét như trường hợp của bệnh nhân này rất hiếm gặp.
Tại Việt Nam, chi phí cho mỗi ca thu gọn vú do phì đại 30-50 triệu đồng.
Theo VnExpress
https://vnexpress.net/suc-khoe/giai-cuu-bo-nguc-phi-dai-4057564.html