Số ca nhiễm mới đang giảm là dấu hiệu cho thấy đỉnh dịch Covid-19 đã qua, hay còn có một kịch bản tồi tệ hơn về dịch bệnh này đang còn chờ đợi chúng ta ở phía trước?
Hiện có rất nhiều tranh cãi về thời điểm dịch Covid-19 sẽ đạt đỉnh (thời điểm số ca nhiễm mới trong một ngày đạt số lượng cao nhất), những chuyên gia lạc quan nhận định, đỉnh dịch đã xảy ra cách đây vài ngày, dựa trên việc số ca mắc mới virus corona đang có dấu hiệu đi xuống. Trong khi đó, một số ý kiến khác lại cho rằng, phải thêm vài tháng nữa Covid-19 mới đạt đỉnh, và con số nhiễm bệnh sẽ lên tới hàng triệu người.
Tính toán thời điểm một dịch bệnh, trong trường hợp này là Covid-19, đạt đỉnh là điều rất quan trọng đối với ngành y tế, bởi dữ liệu này là căn cứ để dự phòng các nguồn lực phục vụ cho công tác chống dịch, đồng thời, các chính sách như cách ly, đóng cửa biên giới, hạn chế di chuyển cũng sẽ dựa vào đó để “nới lỏng” hoặc “siết chặt”.
Tuy nhiên, việc dự đoán thời điểm đạt đỉnh của Covid-19 là không hề dễ dàng và đang gây nhiều tranh cãi, một phần nguyên nhân là do nó đang được che phủ bởi hàng loạt các ẩn số chưa thể làm sáng tỏ.
Vào ngày 11/02, Zhong Nanshan, một nhà dịch tễ học nổi tiếng của Trung Quốc, người cũng đang trực tiếp tham gia vào công tác kiểm soát Covid-19, đã đưa ra lời nhận định rằng, dịch Covid-19 có thể sẽ đạt đỉnh vào cuối tháng 2. Cũng theo chuyên gia này, dự đoán của ông được xây dựng một phần dựa trên thực tế tình hình Covid-19, ngay tại tâm dịch Trung Quốc, đã được cải thiện nhờ vào các biện pháp kiểm soát chặt chẽ của chính phủ, ví dụ như hạn chế đi lại, kéo dài thời gian nghỉ Tết… Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng, hiện Vũ Hán (nơi đầu tiên bùng phát dịch) vẫn đang phải trải qua giai đoạn khó khăn.
Bên ngoài biên giới Trung Quốc, một mô hình dự đoán diễn biến dịch Covid-19 cũng cho thấy sự ăn khớp với kịch bản, mà chuyên gia người Trung Quốc đưa ra. Nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Trường đại học Luân Đôn, thông qua nghiên cứu, nhận định đỉnh dịch thực tế đã xảy ra trong những ngày gần đây.
Nhà thống kê Sebastian Funk, người tiến hành xây dựng mô hình dự đoán dịch cho biết: “Dự đoán của chúng tôi dựa trên hệ số lây nhiễm (R). Cụ thể, nếu 1 người ở Vũ Hán nhiễm Covid-19 họ sẽ có thể lây lan trung bình 1,5-4,5 người khác”. Việc số ca nhiễm mới, cũng như số ca tử vong vì Covid-19 đang giảm dần trong những ngày gần đây chính là các bằng chứng thực tế, củng cố cho dự đoán của nhóm nghiên cứu này.
Được biết, trước khi chính phủ Trung Quốc áp dụng các biện pháp cách ly, hạn chế đi lại, mô hình của chuyên gia này đã ước tính rằng, số ca nhiễm mới khi dịch đạt đỉnh sẽ rơi vào khoảng 1 triệu người, khoảng 10% dân số của Vũ Hán.
Mặc dù dự đoán đỉnh dịch Covid-19 đã xảy ra cũng là điều mà cả thế giới đều mong muốn. Tuy nhiên, nhìn nhận dưới góc độ khoa học, một số chuyên gia vẫn cho rằng, kịch bản này là quá lạc quan.
“Nhiều thành phố ở Trung Quốc đã quay lại làm việc vào tuần trước, sau một đợt nghỉ dài có thể là tác nhân, khiến sự lây nhiễm virus corona mới gia tăng”, đây là nhận định của chuyên gia dịch tễ học Hiroshi Nishiura, đến từ Đại học Hokkaido, thành phố Sapporo, Nhật Bản.
Theo mô hình dự đoán của chuyên gia này, đỉnh dịch sẽ xảy ra vào khoảng thời gian từ tháng 3 đến cuối tháng năm. Đồng thời, vào ngày dịch đạt đỉnh sẽ có đến 2,3 triệu ca mắc mới. Bên cạnh đó, đợt đại dịch này cũng sẽ có 550 triệu – 650 triệu người Trung Quốc bị lây nhiễm (con số này tương đương với 40% dân số của quốc gia tỷ dân). Mặc dù số ca lây nhiễm virus corona trong kịch bản mà mình đưa ra là rất cao, nhưng theo Nishiura, chỉ có khoảng 1 nửa trong số đó biểu hiện các triệu chứng bệnh. Được biết, mô hình dự đoán của Nishiura hiên đang xây dựng dựa trên các con đường lây bệnh của virus corona mới đã được xác nhận. Đồng nghĩa với việc, nếu loại virus bí ẩn này vẫn còn có những cách lây truyền khác, mà chúng ta chưa biết đến, kịch bản thậm chí còn tồi tệ hơn.
Ủng hộ cho kịch bản của Nishiura, chuyên gia dịch tễ học của Đại học Hong Kong - Gabriel Leung cho rằng, mặc dù những con số về dịch bệnh mà chuyên gia người Nhật đưa ra nghe có vẻ quá “trầm trọng”, nhưng hoàn toàn có thể thành sự thực, bởi đây là một loại virus mới và vẫn còn nhiều điều về nó mà chúng ta chưa thể làm sáng tỏ.
Tuy nhiên, Gabriel Leung cũng cho rằng, kịch bản mà Nishiura đưa ra có thể sẽ bị “xê dịch” đáng kể trong thực tế, khi mà mô hình chuyên gia này sử dụng chưa hề tính đến tác động từ các biện pháp khống chế dịch như: cách ly, hạn chế đi lại (theo Nishiura giải thích là bởi hiệu quả của những biện pháp này hiện rất khó để tính toán).
“Nhiều nhà khoa học cho rằng, các biện pháp kiểm soát dịch, về tổng thể, có thể không làm giảm đáng kể số người nhiễm bệnh. Tuy nhiên, nó sẽ kéo dài thời gian để dịch đạt đỉnh, thông qua việc làm chậm quá trình lây lan” – Leung cho biết.
Chuyên gia này phân tích thêm: “Hạn chế số người nhiễm bệnh ở thời điểm đỉnh dịch là rất quan trọng. Bởi trong trường hợp quá nhiều người bị lây nhiễm cùng lúc, hệ thống y tế sẽ khó đáp ứng được và nhiều người sẽ chết”.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/dich-covid-19-nhung-kich-ban-nao-se-co-the-xay-ra-20200219124801927.htm