Nguy cơ mắc bệnh cổ tử cung tiền ung thư đối với nhóm đã tiêm 1, 2 và 3 liều vắc-xin HPV được giảm lần lượt 36%, 28% và 34% so với những người không được chủng ngừa.
Một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng, một liều vắc-xin papillomavirus ở người (HPV) có hiệu quả tương đương với nhiều liều trong việc ngăn ngừa bệnh cổ tử cung tiền ung thư, sau này có thể phát triển thành ung thư cổ tử cung. Phát hiện này được công bố trên “Cancer”, tạp chí khoa học của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS).
HPV là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất ở Hoa Kỳ. Đáng nói là việc thường xuyên bị nhiễm trùng với một số loại virus nhất định có thể gây ung thư cổ tử cung. Để ngăn ngừa HPV, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến cáo rằng, cả nam và nữ giới dưới 15 tuổi nên chủng ngừa vắc-xin HPV.
Để xác định tính hiệu quả của vắc-xin HPV đối với khả năng ngăn ngừa ung thư cổ tử cung, thạc sĩ Ana M. Rodriguez đến từ Đại học Y khoa Texas (Mỹ) và các đồng nghiệp, đã tiến hành thu thập và phân tích số liệu của những phụ nữ từ 9 đến 26 tuổi, chưa được tiêm chủng hoặc đã chủng ngừa vắc-xin HPV, trong giai đoạn từ tháng 1 năm 2006 đến tháng 6 năm 2015.
Tập số liệu này bao gồm 133.082 phụ nữ, với 66.541 người đã được tiêm phòng và 66.541 người chưa. Kết quả thống kê chỉ ra rằng, đối với nhóm nữ 15-19 tuổi, được tiêm 1, 2 hoặc 3 liều vắc-xin HPV, có tỷ lệ mắc bệnh cổ tử cung tiền ung thư thấp hơn so với những người cùng độ tuổi không được chủng ngừa HPV.
Trong khoảng thời gian 5 năm, 2,65% thanh thiếu niên chưa được tiêm chủng (độ tuổi 15-19) đã phát triển bệnh cổ tử cung tiền ung thư, so với 1,62%, 1,99% và 1,86% trong các nhóm đã tiêm 1, 2 và 3 liều vắc-xin HPV. Nguy cơ mắc bệnh cổ tử cung tiền ung thư đối với nhóm đã tiêm 1, 2 và 3 liều vắc-xin HPV được giảm lần lượt 36%, 28% và 34% so với những người không được chủng ngừa.
Đối với nhóm trẻ nhất (dưới 15 tuổi) và nhóm lớn tuổi nhất (20 tuổi trở lên), các nhà nghiên cứu không nhận thấy sự khác biệt đáng kể về nguy cơ mắc bệnh cổ tử cung tiền ung thư, giữa các nhóm được tiêm chủng.
"Nghiên cứu này cho thấy tác động của việc tiêm phòng HPV khi còn trẻ và sự bảo vệ lâu dài chống lại ung thư cổ tử cung" - Rodriguez nhấn mạnh - "Điều quan trọng là sự giáo dục cha mẹ về sự cần thiết trong việc tiêm chủng cho con cái của họ."
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/chi-1-lieu-vacxin-hpv-cung-du-dem-lai-kha-nang-ngua-ung-thu-dang-ke-20200210173753956.htm