Nam giới trên 40 tuổi, người béo phì, tiền căn viêm xoang, viêm mũi dị ứng, thường trào ngược dạ dày... dễ ngưng thở khi ngủ, gây các biến chứng, thậm chí tử vong.
Ngưng thở khi ngủ là tình trạng hô hấp bị gián đoạn lặp đi lặp lại khi ngủ, làm giảm oxy trong máu. Sự tạm ngưng hô hấp có thể kéo dài hơn vài chục giây và xảy ra có thể nhiều đến vài chục, vài trăm lần trong đêm.
Biểu hiện sớm của bệnh, có thể chỉ xuất hiện tình trạng ngáy hay nấc trong giấc ngủ ban đêm, làm giảm chất lượng cuộc sống, hay bị viêm họng, trào ngược dạ dày thực quản. Theo thời gian, khi xuất hiện tình trạng ngưng thở, sức khỏe người bệnh sẽ suy giảm nhanh chóng, thậm chí có thể gây ra đột quỵ.
Phó giáo sư Nguyễn Nghiêm Luật, nguyên Trưởng Khoa Hóa sinh, Đại học Y Hà Nội, cho biết bình thường đường hô hấp trên được nâng đỡ bởi các cấu trúc xương nhỏ, sụn bao quanh mũi và vùng hầu họng, giúp đường thở vẫn mở ra, không bị xẹp trong lúc ngủ, không khí vẫn lưu thông từ mũi và miệng vào trong phổi một cách dễ dàng.
Với người bị hội chứng ngưng thở khi ngủ, những thành phần mô mềm như lưỡi và sụn của vùng hầu họng bị tụt vào trong đường thở, kèm theo kích thước của đường hô hấp trên bị giảm do sự phì đại quá mức của mô mềm bao xung quanh, gây tắc nghẽn lưu lượng khí, kết hợp với giảm tín hiệu thần kinh đến các cơ hô hấp trong lúc ngủ, gây ra ngưng thở.
"Ngưng thở khi ngủ là một tình trạng bệnh lý nguy hiểm", ông Luật nói. Nếu lâu không được điều trị, hiện tượng này gây giảm oxy và tăng khí CO2 trong máu, từ đó ảnh hưởng đến mạch máu ở tim, phổi, thận, tuyến tụy, não... dẫn tới một loạt các rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, đau thắt ngực, nguy cơ mạch vành, xơ vữa động mạch, xuất huyết não, lún sọ não.
Đối với người từng mắc các vấn đề tim mạch, ngưng thở khi ngủ có thể dẫn đến suy tim sung huyết, loạn nhịp tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh lý mạch máu não và cơn đau tim gây tử vong trong giấc ngủ. "Khi tim thiếu oxy sẽ ngừng hoạt động, con người sẽ ra đi", ông Luật nói. Số lần ngưng thở khi ngủ càng cao thì tỷ lệ bệnh tim mạch càng cao.
Tim cần được cung cấp máu và dinh dưỡng liên tục giống như bất kỳ mô cơ nào trong cơ thể. Hai nhánh động mạch vành lớn cung cấp oxy cho cơ tim. Nếu một trong các động mạch lớn hay các nhánh nhỏ bị tắc đột ngột thì một phần tim sẽ bị thiếu oxy, tình trạng này gọi là thiếu máu cơ tim. Nếu thiếu máu cơ tim kéo dài quá lâu, mô cơ tim sẽ bị chết, gây nên cơn đau thắt ngực hay được gọi nhồi máu cơ tim.
Hình ảnh đường hô hấp trên bình thường, luồng khí thở thông thoáng và đường hô hấp trên khi bị tắc nghẽn. Ảnh bác sĩ cung cấp.
"Những người trẻ tuổi thường có triệu chứng đau dữ dội rồi qua đời. Người già, người đái tháo đường, các cảm ứng đau của cơ tim khi bị nhồi máu kém, nên cảm giác đau không truyền về trung tâm thần kinh", ông Luật cho biết. Nhồi máu cơ tim gây nên các hậu quả như suy tim, sốc tim, đột tử do tim...
Người bị ngưng thở khi ngủ thường không thể tự nhận biết vì xảy ra khi đang ngủ, triệu chứng khởi phát bệnh có thể chỉ là ngáy trong đêm. Người bệnh chỉ bị giảm chất lượng cuộc sống. Khi nghiêm trọng hơn, người bệnh thường thở nấc hay thở ngắt quãng tái đi tại lại trong đêm, tiểu đêm, nhức đầu buổi sáng, thức dậy mệt mỏi, giảm trí nhớ, thay đổi tính tình trở nên cáu gắt, buồn ngủ ngày, giảm ham muốn tình dục....
Hội chứng ngưng thở khi ngủ là một quá trình bệnh lâu dài. Nếu cảm thấy có vấn đề về giấc ngủ, nên đi khám chuyên khoa hô hấp. Tùy theo nguyên nhân bác sĩ có biện pháp điều trị thích hợp. Ở mức độ nhẹ, chủ yếu thay đổi lối sống, giảm cân, dùng gối tránh ngáy, ngủ tư thế nghiêng, tránh sử dụng rượu, thuốc lá, thuốc an thần.
Những người có vòng cổ to, thường xuyên dùng các chất kích thích như rượu, thuốc lá, bệnh Parkinson, trầm cảm, bất thường giải phẫu của đường hô hấp trên như lưỡi to, vòm họng hẹp, phì đại amiđan, cằm lẹm... cũng có nguy cơ cao ngưng thở khi ngủ.
Theo bác sĩ Hoàng Đình Hữu Hạnh, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán là đa ký giấc ngủ, bệnh nhân ngủ lại một đêm tại bệnh viện, được nhân viên y tế theo dõi cả đêm qua camera. Sau khi có kết quả đa ký giấc ngủ, bác sĩ sẽ xác định phương pháp điều trị thích hợp. Bệnh nhân có thể được tập vật lý trị liệu vùng cơ hầu họng, dụng cụ hỗ trợ hàm gắn vào miệng khi ngủ, phẫu thuật tạo hình eo họng, lưỡi gà và vòm miệng mềm...
Theo VnExpress
https://vnexpress.net/suc-khoe/hoi-chung-ngung-tho-khi-ngu-4037275.html