Rau-củ-quả có chứa những hoạt chất đặc trưng, mà không hề có trong các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, trong số đó không ít chất đã được khẳng định về khả năng phòng, chống ung thư, đặc biệt là ung thư phổi.
Táo
Một nghiên cứu được công bố trên “PLOS One” đã kết luận rằng, chế độ ăn càng chứa nhiều flavonoids (một chất chuyển hóa trung gian của thực vật), có nhiều trong táo, càng giúp giảm nguy cơ mắc ung thư phổi. Cụ thể hơn, hai loại flavonoids là quercetin và kaempferol đã cho thấy khả năng làm giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh ung thư liên quan đến thói quen hút thuốc lá. Với những người không hút thuốc, một loại flavonoids khác là flavanones cũng sẽ giúp họ giảm nguy cơ mắc ung thư phổi.
Cần lưu ý rằng, những hoạt chất này tập trung nhiều nhất ở lớp vỏ. Vì vậy, cách tốt nhất để ăn một trái táo là rửa kỹ và ăn luôn cả vỏ. Bên cạnh đó, vì táo nguyên vỏ được sử dụng để làm nước táo lên men (apple cider), nên đây cũng được coi là sản phẩm giúp phòng ngừa ung thư tốt hơn nước ép táo.
Súp lơ
Súp lơ sở hữu khả năng phòng, chống ung thư tuyệt vời. Cụ thể, hoạt chất glucosinates được tìm thấy nhiều trong loại rau này, có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi đến 21-32%, đặc biệt là ở phụ nữ.
Rau chân vịt
Rau chân vịt rất giàu folate (vitamin B9), đây là một loại vitamin đã được chứng minh là có khả năng phòng ngừa ung thư phổi trong nhiều nghiên cứu. Thậm chí, đối với những người đã từng hút thuốc lá, loại rau này còn giúp họ giảm khả năng mắc ung thư phổi đến 40%.
Lê
Một nghiên cứu tập trung vào loại ung thư phổi không tế bào nhỏ vừa mới được công bố gần đây đã chỉ ra rằng, phloretin – một hoạt chất có nhiều trong quả lê – Có khả năng kích hoạt sự chết theo lập trình ở tế bào ung thư. Thậm chí, nhóm nghiên cứu còn đánh giá phloretin là hoạt chất đầy hứa hẹn để mở ra một phương pháp chữa ung thư phổi không tế bào nhỏ hiệu quả và an toàn với cơ thể hơn. Bên cạnh khả năng kìm hãm sự phát triển của ung thư, việc ăn lê còn tăng cường hiệu quả của phương pháp hóa trị, đồng thời làm giảm tác dụng phụ của những hóa chất này.
Cà rốt
Trong cà rốt có chứa chlorogenic acid, một hoạt chất thực vật có khả năng làm gián đoạn quá trình hình thành mạch máu mới để nuôi khối u ác tính, thông qua việc chặn đứng đường truyền tín hiệu của ung thư phổi. Một khi khối u không có đủ nguồn cung cấp máu, nó sẽ không thể tiếp tục lớn lên.
Một điểm đặc biệt nữa là trong khi nhiều loại rau củ bị mất đi các hoạt chất thực vật, trong quá trình nấu nướng, thì cà rốt lại là trường hợp ngoại lệ, khi lượng chlorogenic acid ở cà rốt chín chỉ bị thất thoát không đáng kể.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/muon-ung-thu-phoi-tranh-xa-can-nang-an-nhung-loai-raucuqua-nay-20191212145417607.htm