Muối làm vi khuẩn HP phát triển nhanh hơn và hoạt động mạnh hơn, do đó làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Nghiên cứu cho thấy những người ăn nhiều muối tăng 68% nguy cơ ung thư dạ dày so với những người ăn ít muối hơn. Trung bình một người Việt Nam trưởng thành tiêu thụ 9,4 g muối mỗi ngày, gấp hai lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới.
Mối liên quan giữa lượng muối trong khẩu phần ăn hằng ngày với sự gia tăng nguy cơ của ung thư dạ dày đã được biết đến từ lâu. Trong ung thư dạ dày, vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) là yếu tố nguy cơ chính. Loại vi khuẩn này gây nên tình trạng viêm mạn tính ở dạ dày và tạo thành những ổ loét, dẫn tới ung thư hóa. Muối là yếu tố thúc đẩy hoạt động của vi khuẩn HP này.
Không phải tất cả bệnh nhân ung thư dạ dày đều là do vi khuẩn HP, nhưng những người nhiễm vi khuẩn HP có khả năng bị ung thư cao hơn.
Tại Việt Nam, đa số người bệnh ung thư dạ dày đi khám và điều trị khi đã ở giai đoạn muộn
Theo TS Nghiêm Nguyệt Thu, Viện Dinh dưỡng Quốc gia muối làm vi khuẩn HP phát triển nhanh hơn và hoạt động mạnh hơn, do đó làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Muối đồng thời còn hoạt động như một yếu tố kích thích viêm trên thành dạ dày, làm thành dạ dày nhạy cảm hơn với các yếu tố gây ung thư khác.
Nghiên cứu của tác giả D’Elia và cộng sự trên 270.000 người và theo dõi trong 6-15 năm cho thấy những người ăn nhiều muối tăng 68% nguy cơ ung thư dạ dày so với những người ăn ít muối hơn. Một nghiên cứu khác còn tìm thấy rằng với mỗi gram muối ăn thêm mỗi ngày thì nguy cơ ung thư dạ dày tăng thêm 8%.
Trung bình một người Việt Nam trưởng thành tiêu thụ 9,4 g muối mỗi ngày, gấp hai lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới.
Muối (NaCl), được cấu thành từ hai nguyên tố hóa học là Natri và Chlorua. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, một thìa 5 g muối chứa khoảng 2.000 mg natri, tương đương với lượng muối chỉ nên dùng trong ngày với một người trưởng thành. Trẻ nhỏ dưới một tuổi, lượng muối được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo dưới 1,5 g và trẻ sơ sinh ăn dưới 0,3 g muối.
Trong khẩu phần ăn hàng ngày, lượng natri có hai nguồn gốc: từ tự nhiên có trong thực phẩm và chủ yếu từ việc bổ sung thêm muối cùng các gia vị mặn khi chế biến, chấm thức ăn.
Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, 81% lượng muối tiêu thụ hàng ngày tại nước ta chủ yếu là từ muối và các gia vị trong quá trình chế biến, nấu nướng và khi ăn. 11% muối từ thực phẩm chế biến sẵn, trong thực phẩm tự nhiên chỉ chiếm 7%. Bột canh và nước mắm là nguồn chính cung cấp muối hàng ngày, cùng với mì chính và muối tinh.
Chuyên gia khuyên những người đã có nguy cơ về ung thư dạ dày cần xem lại lượng muối ăn hàng ngày của mình cẩn thận, tránh những thực phẩm chứa nhiều muối.
Ung thư dạ dày là một trong những bệnh ung thư thường gặp ở cả hai giới. Theo Globocan 2018, tại Việt Nam có thêm 17.527 ca mắc mới và 15.065 người tử vong vì căn bệnh này. Ung thư dạ dày đứng thứ 3 trong các bệnh ung thư thường gặp.
Điều đáng tiếc là ung thư dạ dày hoàn toàn có thể phòng ngừa, nhận biết sớm và điều trị hiệu quả nếu phát hiện ở giai đoạn đầu. Hiện đa số người bệnh đến khám và điều trị bệnh đã khi ở giai đoạn muộn, gây khó khăn trong việc điều trị và tốn kém về kinh phí.
Các triệu chứng của ung thư dạ dày có thể bao gồm giảm khả năng tiêu hóa thức ăn, kém ngon miệng, cảm giác no liên tục, chảy máu hoặc có các cục máu, có máu trong phân, đau và/hoặc yếu mệt.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/tang-68-nguy-co-ung-thu-da-day-vi-gia-vi-kho-bo-cua-nguoi-viet-20191208093548413.htm