Khi trẻ bị sốt, chúng ta cần theo dõi sát sao, chăm sóc đúng cách, có thể dùng thuốc hạ sốt nếu cần và đưa trẻ đi khám kịp thời.
Sốt là một phản ứng bình thường của cơ thể trước nhiều tình trạng khác nhau của cơ thể mà phổ biến nhất là nhiễm trùng (bao gồm virus và vi khuẩn).
Theo BS Đào Trường Giang (Khoa Nhi, Bệnh viện Xanh Pôn), trẻ em được coi là sốt khi đo nhiệt độ ở miệng hoặc trực tràng ≥ 38 độ C.
Nói về con số 38 độ C, BS Giang cho biết: “Ở trẻ em khỏe mạnh, không ốm đau, thân nhiệt cao nhất được ghi nhận có thể lên tới 38 độ C. Nhiều nghiên cứu đã cho ra con số này. Con số ≥ 38 độ C cũng được Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ và nhiều bệnh viện, tổ chức khác dùng để xác định 1 trẻ bị sốt. Ở Việt Nam, nhiều nơi vẫn cho rằng ≥ 37,5 độ C là sốt”.
BS Đào Trường Giang cho biết con số ≥ 38 độ C được Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ và nhiều bệnh viện, tổ chức khác dùng để xác định 1 trẻ bị sốt.
Nguyên nhân gây sốt ở trẻ
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sốt ở trẻ em, tuy nhiên phần lớn sốt là do nhiễm trùng (virus, vi khuẩn…) Một số bệnh thông thường gây sốt là nhóm bệnh viêm đường hô hấp (viêm họng, viêm tai giữa, viêm phế quản …) nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhiễm trùng đường tiểu... Sốt cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh nguy hiểm như: viêm phổi, sốt xuất huyết, viêm màng não, viêm não, nhiễm khuẩn huyết....
“Mọc răng cũng có thể làm tăng thân nhiệt, nhưng chỉ ở mức độ nhẹ, dưới 38 độ C. Nếu thân nhiệt của trẻ cao hơn 38 độ C thì cha mẹ phải lưu ý và nguyên nhân chắc chắn không phải do mọc răng”, BS Giang cho biết.
Đo nhiệt độ chính xác khi nghi ngờ trẻ sốt
Theo BS Giang, cha mẹ cần lưu ý, khi thấy trẻ có các biểu hiện mệt, ăn kém, ít chơi, quấy khóc, chân, tay trẻ lạnh nhưng trán nóng hay trẻ bị ho, nôn trớ, tiêu chảy… thì cần phải đo nhiệt độ cho trẻ ngay. Việc này nhằm xác định chắc chắn rằng trẻ có sốt hay không để theo dõi và đưa trẻ đi khám đúng lúc.
“Cần phải đo nhiệt độ cho trẻ một cách chính xác để xử trí kịp thời vì có một số trẻ (đặc biệt trẻ có tiền sử co giật) có thể bị co giật khi nhiệt độ cơ thể mới chỉ 38 độ C. Điều này các bậc cha mẹ cần đặc biệt lưu ý vì đây là tình huống nguy hiểm”, BS Giang khuyến cáo.
Bên cạnh đó, đo nhiệt độ để theo dõi chính xác đáp ứng của trẻ với các thuốc điều trị, bao gồm cả thuốc hạ sốt, từ đó có cách xử lý phù hợp.
Lưu ý các cách đo nhiệt độ
“Ở trẻ nhỏ, đo nhiệt độ ở trực tràng sẽ cho kết quả chính xác nhất. Nhưng nếu trẻ lớn hơn (trên 4 tuổi, hợp tác tốt) có thể đo ở miệng. Đo ở nách cũng được khuyến cáo để đánh giá nhanh tình trạng của trẻ nhỏ và trẻ lớn nhưng lại không hợp tác để đo ở miệng.
Đo nhiệt độ ở trán, tai dễ dàng hơn nhưng ít chính xác hơn, Có một số tài liệu dạy cách cộng nhiệt độ nếu đo ở nách hay trán nhưng do ngay ở kết quả đo đã ít chính xác nên khi cộng vào lại càng không chính xác, không đáng tin”, BS Giang cho biết.
Hiện có nhiều loại nhiệt kế, trong đó phổ biến nhất là nhiệt kế thủy ngân và nhiệt kế điện tử. Các thế hệ nhiệt kế mới có nhiều loại khác nhau như: đo trán, đo tai, đo nách, dán trán và thậm chí có loại giống núm vú giả để đo nhiệt độ miệng cũng rất tiện lợi.
Với phương pháp đo nhiệt độ trực tràng, cha mẹ đặt trẻ nằm sấp trên gối hoặc trong lòng, bôi một chút dầu bôi trơn vào đầu nhiệt kế (Vaseline), đưa đầu nhiệt kế vào hậu môn khoảng 1–1,5cm. Giữ nhiệt kế trong hậu môn trẻ 2 phút với nhiệt kế thủy ngân và khoảng 1 phút với nhiệt kế điện tử (hoặc cho tới khi có tiếng bíp).
Phương pháp đo nhiệt độ miệng không nên dùng với trẻ nhỏ, trẻ không hợp tác hoặc trẻ mới ăn uống đồ nóng hoặc lạnh trong vòng 30 phút. Cha mẹ cần làm sạch nhiệt kế, đặt đầu nhiệt kế dưỡi lưỡi của trẻ, nhắc trẻ giữ nhiệt kế trong miệng khoảng 3 phút với nhiệt kế thủy ngân và khoảng 1 phút với nhiệt kế điện tử (hoặc cho tới khi có tiếng bíp). Có thể dùng nhiệt kế kiểu núm vú giả để trẻ nhỏ hợp tác hơn.
Với phương pháp đo nhiệt độ ở nách, cha mẹ cần lau khô nách trẻ và đặt đầu nhiệt kế vào hố nách, giữ nhiệt kế trong hố nách trẻ khoảng 5-7 phút với nhiệt kế thủy ngân và khoảng 1 phút với nhiệt kế điện tử (hoặc cho tới khi có tiếng bíp).
Nếu dùng phương pháp đo nhiệt độ ở tai cần phải lưu ý, nếu trẻ mới ở ngoài trời lạnh, đợi 15 phút trước khi đo để cơ thể trẻ cân bằng lại nhiệt. Không dùng cách này nếu trẻ đang bị viêm tai giữa, viêm ống tai ngoài và các vùng xung quanh.
Ngoài các cách đo nhiệt độ phổ biến trên, còn có thể đo nhiệt độ cho trẻ ở trán, thái dương bằng nhiệt kế điện tử hoặc nhiệt kế dạng miếng dán./.
Theo VOV.VN
https://vov.vn/suc-khoe/sot-o-tre-em-va-nhung-cau-hoi-thuong-gap-986507.vov