Bàn chân có thể báo động về các vấn đề nghiêm trọng như đái tháo đường, bệnh tuyến giáp và bệnh tim để bạn đi khám kịp thời.
Bàn chân khô, bong tróc
Có thể là: Các vấn đề về tuyến giáp, đặc biệt là nếu kem dưỡng ẩm không giúp ích. Khi tuyến giáp (tuyến hình bướm nằm ở cổ) gặp vấn đề, nó không sản sinh đúng và đủ hormon tuyến giáp, là hormone kiểm soát tốc độ chuyển hóa, huyết áp, tăng trưởng mô và phát triển hệ xương và hệ thần kinh.
Các vấn đề về tuyến giáp gây ra tình trạng khô da nghiêm trọng. Khi thấy bàn chân nứt nẻ, hoặc nếu kem dưỡng ẩm không cải thiện tình trạng khô da trong vài ngày, bạn nên đi khám bác sĩ để đảm bảo tuyến giáp vẫn ổn. Móng chân giòn dễ gãy cũng có thể báo hiệu các biến chứng của tuyến giáp.
Ngón chân nhẵn bóng
Có thể là: Bệnh động mạch. Nếu những sợi lông tơ trên ngón chân đột nhiên biến mất, nó có thể báo hiệu lưu thông máu kém do bệnh động mạch ngoại biên (PAD). Dấu hiệu của PAD có thể bao gồm giảm mọc lông ở bàn chân và mắt cá chân, các ngón chân có màu tím, da mỏng hoặc sáng bóng. Là sự tích tụ mảng bám trong động mạch chân, PAD ảnh hưởng đến khoảng 8 triệu người Mỹ. Các triệu chứng rất kín đáo, nhưng bác sĩ có thể kiểm tra mạch đập ở bàn chân. Trong trường hợp nghiêm trọng, họ có thể phát hiện PAD trên X-quang.
Loét không liền
Có thể là: Đái tháo đường. Nồng độ glucose không được kiểm soát có thể làm tổn thương dây thần kinh và khiến tuần hoàn máu kém, do đó máu không đến được tất cả các khu vực của cơ thể, bao gồm cả bàn chân. Khi máu không tới được chỗ vết thương, ví dụ như bị giày kích thích, da sẽ không liền được như bình thường.
Rất nhiều người mắc đái tháo đường được chẩn đoán đầu tiên do các vấn đề về chân. Các dấu hiệu khác của đái tháo đường có thể bao gồm cảm giác kiến bò hoặc tê bì kéo dài. Hãy hỏi bác sĩ về việc kiểm tra lượng đường trong máu.
Ngón chân cái sưng to và đau
Có thể là: Bệnh gút. Bệnh gút là một dạng viêm khớp thường ảnh hưởng đến khớp ngón chân cái. Thực phẩm chứa nhiều purine, một chất có trong thịt đỏ, cá và một số loại rượu, có thể kích hoạt cơn gút do làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể. Axit uric thường được bài xuất qua nước tiểu, nhưng được sản sinh quá nhiều hoặc bài xuất quá kém ở một số người.
Bạn có thể nhìn thấy lắng đọng axit uric trong khớp, phổ biến nhất là ngón chân cái hoặc khớp cổ chân. Bệnh nhân sẽ thức dậy với khớp cứng, đỏ, sưng và rất đau. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống viêm để giảm đau trong thời gian ngắn và thuốc để giảm sản sinh axit uric. Bạn cũng có thể cần phải tuân theo chế độ ăn ít purine để phòng ngừa lâu dài.
Những vệt nhỏ, màu đỏ dưới móng chân
Có thể là: Nhiễm trùng tim. Những vệt đỏ bên dưới móng chân hoặc móng tay có thể là những mạch máu bị vỡ được gọi là xuất huyết mảnh vụn. Theo Hội bác sĩ gia đình Mỹ, trong khi các vấn đề như bệnh vẩy nến, nhiễm nấm hoặc thậm chí chấn thương ở móng có thể gây xuất huyết mảnh vụn, thì đó cũng có thể là dấu hiệu của viêm nội tâm mạc, hay nhiễm trùng lớp màng lót bên trong tim.
Những người đang có bệnh tim có nguy cơ mắc viêm nội tâm mạc cao hơn, theo Hội Tim Mỹ. Nhiễm trùng có thể dẫn đến suy tim nếu không được điều trị. Nếu thấy xuất huyết mảnh vụn trên móng chân hoặc móng tay, và không gặp phải bất kỳ chấn thương nào gần đây trên móng, hãy gặp bác sĩ để kiểm tra tim và lưu thông máu.
Hình dạng “dùi trống”
Có thể là: Ung thư phổi hoặc bệnh tim. Một triệu chứng khác biểu hiện ở cả ngón chân và ngón tay, ngón “dùi trống” thường liên quan đến ung thư phổi, nhiễm trùng phổi mãn tính hoặc bệnh tim do dị tật bẩm sinh hoặc nhiễm trùng niêm mạc van tim và buồng tim. “dùi trống” thường xảy ra trong những bệnh này vì lượng oxy trong máu thấp hơn. Các mô sưng lên và kết quả là hình dạng “dùi trống” của các ngón (đầu ngón chân và ngón tay tròn và to hơn). Mặc dù bệnh nhân thường biết là mình mắc căn bệnh gây ra ngón “dùi trống”, nhưng tốt nhất là nên kiểm tra nếu thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.
Móng chân bị rỗ
Có thể là: Bệnh vẩy nến. Nếu thấy có những lỗ nhỏ, rãnh hoặc những đường vân ở móng chân, đó có thể là bệnh vẩy nến móng. Mặc dù hầu hết những người bị bệnh vẩy nến móng cũng bị bệnh vẩy nến da (một bệnh tự miễn tạo thành những mảng và kích ứng trên da), có 5% những người bị bệnh vẩy nến móng không bị bệnh ở nơi khác.
Nếu chưa từng có chẩn đoán mắc bệnh vẩy nến, nhưng móng chân có những lỗ nhỏ, thì nên kiểm tra. Các triệu chứng khác bao gồm những mảng trắng và vệt kẻ ngang trên móng. Để điều trị bệnh vẩy nến, bác sĩ có thể kê toa kem bôi hoặc corticoid tiêm dưới móng.
Móng hình thìa
Có thể là: Thiếu máu hoặc lupus. Móng chân bị lõm sâu đến mức có thể đựng được một giọt nước? Còn được gọi là koilonychias, móng chân hoặc móng tay hình thìa thường liên quan đến thiếu sắt, nhưng chúng cũng có thể bắt nguồn từ suy dinh dưỡng, rối loạn tuyến giáp hoặc chấn thương. Móng hình thìa đôi khi xuất hiện ở trẻ nhỏ, nhưng sẽ trở lại bình thường trong một vài năm đầu đời. Nếu nhận thấy móng có hình thìa, hãy liên hệ với bác sĩ để được xét nghiệm máu tìm nguyên nhân chính xác.
Một vệt thẳng dưới móng chân
Có thể là: Ung thư da. Một vệt thẳng đứng, sẫm màu bên dưới móng chân có thể là acral lentiginous melanoma, hay u hắc tố ẩn - một dạng ung thư da xuất hiện ở những phần cơ thể bị che khuất. (Các khối u ác tính ẩn khác bao gồm u hắc tố mắt và u hắc tố miệng.) Nó sẽ là một vệt màu đen chạy từ chân móng đến đầu móng. Dấu hiệu này cần được bác sĩ kiểm tra. Bạn sẽ muốn chắc chắn rằng nó không phải là ung thư, và nó có thể là một loại nấm, thường có màu vàng nâu và rải rác trên toàn bộ móng.
Vòm bàn chất cao đột ngột
Có thể là: tổn thương thần kinh. Hầu hết bàn chân có vòm cao đều có liên quan đến một dạng bệnh lý thần kinh cơ nào đó. Nếu các cơ vòm bàn chân bị teo dí, đó có thể là dấu hiệu của một bệnh lý thần kinh gọi là Charcot-Marie-Tooth (CMT). Rối loạn di truyền cũng có thể gây ra những thay đổi về dáng đi, tê ở bàn chân, khó giữ thăng bằng, mất cơ ở cẳng chân và sau đó là các triệu chứng tương tự ở cánh tay và bàn tay. Gặp bác sĩ nếu nhận thấy sự bất thường.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/ban-chan-tiet-lo-10-dau-hieu-kin-dao-cua-benh-20191127024609341.htm