Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra mối liên quan giữa bụi mịn và nguy cơ mắc ung thư não. Kết quả này thực sự khiến chúng ta phải nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn nữa về vấn đề ô nhiễm không khí.
Ô nhiễm không khí là một trong những vấn đề nhức nhối nhất mà các đô thị trên thế giới đang phải đối mặt, trong đó đương nhiên có cả Việt Nam. Hàng loạt các nghiên cứu đã chỉ ra những ảnh hưởng tiêu cực mà chất lượng không khí thấp gây ra với sức khỏe của con người, từ các bệnh lý liên quan đến hệ hô hấp cho đến sự suy giảm trí tuệ.
Các nguồn ô nhiễm không khí đô thị hiện nay chủ yếu phát sinh từ hoạt động công nghiệp, xây dựng, giao thông, sinh hoạt. Mỗi nguồn lại phát sinh các tác nhân ô nhiễm khác nhau. Trong đó, sự gia tăng của phương tiện giao thông và hoạt động xây dựng chính là 2 nguyên nhân chủ chốt làm tăng ô nhiễm bụi, bụi mịn tại các đô thị.
Khác với loại bụi thông thường, bụi mịn đủ nhỏ để thâm nhập vào mạch máu và di chuyển đi khắp cơ thể của chúng ta, từ đó lây lan sang nhiều cơ quan khác. Mỗi ngày, một người sẽ hít thở khoảng 20 mét khối không khí. Do đó, cơ quan hô hấp sẽ chịu ảnh hưởng trước tiên và nặng nề nhất. Bên cạnh đó, bụi mịn còn có thể gây nên các bệnh lý về tim mạch và phổi. Ngoài ra, các hạt bụi còn là vật chứa vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm mốc, đưa chúng xâm nhập vào cơ thể.
Mới đây, không khí ô nhiễm, mà cụ thể chính là các hạt có kích thước nano lẫn trong không khí, còn được chứng minh có mối liên quan đến nguy cơ mắc ung thư não.
Nghiên cứu kể trên được nhóm các nhà khoa học, dẫn đầu bởi Đại học McGill (Canada) công bố trên tạp chí Epidemiology. Trong đề tài này, họ tập trung vào các hạt bụi mịn có kích thước cực nhỏ (nhỏ hơn 100 nanomet) có trong không khí.
Các nghiên cứu trước về vấn đề này đã phát hiện ra rằng, bụi mịn có thể thâm nhập vào não. Tuy nhiên, phải đến khi đề tài này được hoàn tất, chúng ta mới thực sự có bằng chứng khoa học về mối liên quan của những hạt nano này với sự phát sinh của bệnh ung thư não. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã điều tra trên bản lưu trữ thông tin về sức khỏe của 1,9 triệu người sống ở Canada, trong giai đoạn 1991-2016, tập trung vào mức độ ô nhiễm không khí mà mỗi cá nhân phải phơi nhiễm, trong số này có tất cả 1400 người phát triển khối u ung thư não.
Kết quả phân tích số liệu chỉ ra rằng, trong 100.000 người, có 8 người có dấu hiệu phát triển khối u, khi mức ô nhiễm bụi mịn tăng thêm 10.000 hạt/cm3 không khí, mức chênh lệch 10.000 hạt bụi mịn này tương đương với sự khác biệt giữa một con đường vắng và đường chật kín xe cộ.
Kết quả này là một bằng chứng khoa học phần nào chỉ ra sự ảnh hưởng của bụi mịn đến sức khỏe của não bộ. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều nghiên cứu chuyên sâu để khẳng định về mối tương quan giữa bụi mịn và ung thư não, cũng như “vén màn” cách thức các hạt nano này tác động lên trung ương thần kinh của chúng ta.
Cũng cần biết rằng, bụi mịn không phải là tác nhân gây ô nhiễm duy nhất cần lưu tâm, trong môi trường không khí ở các khu đô thị, bởi còn nhiều tác nhân khác cũng gây ảnh hưởng đến khỏe không kém gì bụi mịn như: CO, SO2, NO2, hơi xăng. Do đó, cần có một giải pháp toàn diện để bảo vệ bản thân trước vấn nạn ô nhiễm không khí, chứ không chỉ dừng lại ở một chiếc khẩu trang có khả năng lọc bụi.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/phat-hien-moi-bui-min-co-moi-lien-quan-toi-nguy-co-mac-ung-thu-nao-20191118200831162.htm