Mắt người có thể nhận biết 10 triệu màu khác nhau. 33% dân số thế giới thuận mắt trái có khả năng đọc nhanh hơn người thuận mắt phải.
Mắt thuận được chứng minh là mắt tiếp nhận thông tin truyền lên não trước, khi cả hai mắt tiếp xúc với hình ảnh, văn bản cùng một lúc.
Màu mắt phổ biến nhất trên thế giới là màu nâu (55-79%). Lượng sắc tố melanin trong mống mắt cao hay thấp quyết định mắt màu nâu đậm hay nhạt. Phần lớn người Đông Á, Đông Nam Á, châu Phi có mắt nâu đậm, trong khi người châu Âu, Tây Á, châu Mỹ có mắt nâu nhạt.
Sắc tố mắt được di truyền từ cha mẹ cho con cái, song bố mẹ mắt nâu vẫn có thể sinh con màu mắt khác do đột biến gene.
8-10% dân số trên thế giới sở hữu mắt xanh, chủ yếu là người châu Âu. Phần Lan là quốc gia có số người mắt xanh nhiều nhất trên thế giới. Nghiên cứu của Đại học Copenhagen năm 2008 phát hiện màu mắt xanh xuất hiện lần đầu cách đây khoảng 10.000 năm sau một đột biến gene. Màu mắt xanh có tính di truyền, do đó những người có màu mắt xanh được coi là "cùng một tổ tiên".
Lượng sắc tố melanin thấp cũng khiến một tỷ lệ nhỏ dân số có mắt màu nâu đỏ (5%), hổ phách (5%), xanh lá (2%), xám (1%), tím (1%). Khoảng 1% dân số thế giới mắc chứng Heterochromia, tức màu mắt trái và phải khác nhau, hoặc một bên mắt có hai màu khác nhau.
Chỉ 2% dân số thế giới có màu mắt xanh lá tự nhiên. Ảnh: Pinterest
Theo Elite Daily, trung bình một người nháy mắt 15-20 lần một phút, tương đương khoảng 1.200 lần mỗi giờ, 28.000 lần một ngày. Một số nghiên cứu chỉ ra nháy mắt là phản xạ của cơ thể cung cấp cho não bộ những khoảng nghỉ ngơi ngắn.
Bạn già đi, khả năng cảm nhận màu sắc của mắt kém dần do các thụ thể cảm nhận màu sắc (cones) kém nhạy cảm hơn khi cơ thể lão hóa. Khi tâm trạng không tốt, mắt cảm nhận màu sắc mọi vật dưới tone màu xám và xanh lục hơn lúc tâm trạng ổn định, theo Psychological Science.
1% dân số thế giới có thị lực 20/10, tức mắt có thể nhìn rõ vật cách xa 20 feet (6 m), gấp đôi tầm nhìn của mắt thường.
Nhãn cầu của mỗi người có kích cỡ tăng dần theo thời gian. Khi mới sinh ra, nhãn cầu rộng 16 mm, 3 tuổi là 23 mm và đạt kích thước tối đa 24 mm trong độ tuổi dậy thì.
Ommatophobia là tên hội chứng sợ mắt. Những người mắc hội chứng hiếm gặp này có dấu hiệu buồn nôn, hoa mắt, run rẩy, khó thở... đặc biệt lo lắng, sợ hãi khi nhìn, chạm vào mắt hay nhỏ thuốc mắt. Việc phải tới các cơ sở khám chữa nhãn khoa có thể gây hoảng loạn với những người này. Họ có xu hướng cố gắng trì hoãn thời gian đi khám mắt nhiều nhất có thể.
Trẻ sơ sinh khi khóc không chảy nước mắt, do tuyến lệ chỉ phát triển đầy đủ. Phải từ một đến 3 tháng tuổi, bé mới có thể khóc rơi nước mắt như bình thường. Trước đó, bé chỉ rơm rớm nước mắt để làm ẩm mắt.
Theo VnExpress