Trầm cảm ngày càng phổ biến, nhưng không phải là không thể vượt qua. Chỉ cần lý trí, sự đồng cảm của những người xung quanh, trầm cảm sẽ tiêu tan.
Người trẻ trầm cảm đến mức tự sát
Buồn bã, trống rỗng, không chút năng lượng, luôn lo lắng và ngủ quá nhiều là những biểu hiện sơ khai của trầm cảm. Với những người không thể thoát khỏi những cảm xúc này, không tin bản thân mình sẽ vượt qua được, thì trầm cảm sẽ thực sự xâm chiếm họ. Những người này cần sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè để vượt qua, để lấy lại tinh thần.
Người trẻ trầm cảm đến mức tự sát. (Ảnh minh họa)
Chia sẻ trong một nhóm kín trên Facebook, chị T.T. (tại TP HCM) đã nói về “trải nghiệm sợ hãi” của mình trước khi bước qua nó để cân bằng lại tâm lý và cuộc sống.
“Tôi đã tự hỏi: “T. ơi, sao T. sợ thế? sao T. lại muốn chết?”. Tôi muốn chết bởi vì tôi có một cuộc đời thất bại, tôi làm gì cũng thấy sai, làm gì cũng thấy sợ, sống vậy thì có gì đáng sống đâu…”
Theo chia sẻ của T., cô nghĩ nhiều về cái chết, ngay cả khi lái xe trên đường đi làm về cô cũng tự hỏi: “Nếu bây giờ mình chết, chồng có thể lo cho đứa con nhỏ 7 tháng không?”… Với trường hợp của T., cô đã tự chất vấn bản thân, tự vượt qua nỗi sợ và nỗi buồn, để lấy lại cân bằng và hướng về tương lai phía trước.
Những trường hợp như T. đang xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội hiện đại và đang phát triển nhanh chóng. Đặc biệt, tỷ lệ phụ nữ bị trầm cảm sau sinh hoặc mắc các vấn đề tâm lý trong độ tuổi sinh đẻ cao. Các rối loạn liên quan đến stress ngày càng gia tăng, thường khởi phát ở giới trẻ và nữ giới gặp nhiều hơn nam giới.
Trung bình trong vòng 1 tuần, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 3-4 bệnh nhân, có cả trường hợp có hành vi tự sát. Theo Viện Sức khỏe tâm thần, đa số người bệnh không biết hoặc không được phát hiện và điều trị kịp thời. Khi mắc bệnh, người bệnh phải mất nhiều thời gian đi khám trước khi đến được với chuyên khoa tâm thần.
Bác sĩ Nguyễn Phương Linh, Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Trầm cảm ở những người trẻ tuổi hiện nay chủ yếu liên quan đến stress, áp lực công việc, môi trường, học tập, gia đình và cả vấn đề tình bạn, tình yêu... Số người trẻ mắc trầm cảm đến viện rất lớn, có thể là lần đầu hoặc nhiều lần”.
Bác sĩ Nguyễn Phương Linh, Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai.
Đừng để trầm cảm đến mức phải nhập viện
Các chuyên gia cảnh báo những dấu hiệu trầm cảm mà bản thân mỗi người cần phải chú ý, để tìm sự giúp đỡ của bạn bè người thân trước khi quá muộn. “Trầm cảm là sự thiếu vắng niềm vui. Đó là khi bạn không còn hứng thú với những sở thích trước đây nữa. Một bộ phim mới, một khóa thể dục và việc tụ tập với bạn bè… đều không kích thích được sự hứng thú của bạn hay một sự kiện vui nhộn lại gây áp lực với bạn, thì bạn nên cân nhắc tìm sự giúp đỡ” - trích nghiên cứu đăng trên trang Health&Human.
Theo các chuyên gia tâm lý, khi không bắt kịp hoặc bị loại khỏi guồng phát triển nhanh chóng của xã hội, nhiều người sẽ dần xuất hiện suy nghĩ tiêu cực và nhắm chỉ trích vào chính bản thân mình hay tâm lý thấy mình là một kẻ thất bại và vô giá trị ngày càng lớn hơn dẫn tới trầm cảm.
Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những người tiêu tốn năng lượng và đang gồng mình để giữ “một chiếc mặt nạ tích cực” tại nơi làm việc hoặc với gia đình, nhưng họ sẽ ngay lập tức bị hạ gục mỗi khi cô đơn. Đó là trầm cảm.
“Bạn luôn thường trực nỗi buồn vô cớ. Một cơn mưa nhỏ đôi khi lại tạo ra cơn bão tố trong tâm trí bạn. Thậm chí những tác động nhỏ từ việc bị tắc đường cũng khiến cảm xúc của bạn bùng nổ và bạn dễ dàng gây sự, nổi nóng với bất cứ ai. Hãy tìm tới một chuyên gia tâm lý để giúp tìm ra nguyên nhân, vì chắc chắn bạn đang trầm cảm”, các chuyên gia đưa ra lời khuyên.
Các chuyên gia nhấn mạnh, trầm cảm là sự mất cân bằng và điều quan trọng là vượt qua được chính bản thân. Đôi khi người thân, bạn bè sẽ không nhận ra rằng bạn đã bị rơi vào trầm cảm. Vì vậy, hãy tìm sự giúp đỡ. Điều tốt đẹp nhất sẽ đến với bạn khi có những người thân yêu ở bên cạnh./.
Theo Thiên Bình/VOV.VN