Ở tuổi 40, nếu mỗi tháng cánh mày râu xuất tinh hơn 21 lần thì nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt thấp hơn 20% so với những người ít hoạt động tình dục.
Một nghiên cứu của Đại học Harvard về chủ đề này từng gây chú ý rất nhiều khi được xuất bản cách đây không lâu. Các nhà nghiên cứu đã khảo sát gần 32.000 chuyên gia chăm sóc sức khỏe tại New England, thu thập dữ liệu về hành vi tình dục kéo dài gần 3 thập kỷ (từ năm 1992 đến năm 2010).
Ngoài số lần quan hệ tình dục, người tham gia còn được yêu cầu ghi lại tần suất thủ dâm và “giấc mơ ướt át”. Mục đích phân tầng mối quan hệ giữa việc đạt được khoái cảm và ung thư tuyến tiền liệt.
Xuất tinh điều độ giúp quý ông tránh ung thư tuyến tiền liệt.
Nghiên cứu cho thấy những người xuất tinh ít nhất 21 lần trong một tháng ở độ tuổi 20 có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt thấp hơn 19% so với những người xuất tinh ít hơn 7 lần mỗi tháng.
Ngoài ra, với những người ở độ tuổi 40 nếu một tháng xuất tinh hơn 21 lần sẽ được bảo vệ thêm. Nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt của họ thấp hơn 20% so với người người ít hoạt động tình dục.
Đây không phải nghiên cứu đầu tiên cho thấy ích lợi của việc xuất tinh thường xuyên. Một nghiên cứu nhỏ khác của Australia với hơn 2.238 nam giới tham gia cũng cho kết quả tương tự.
Cụ thể, trước 70 tuổi những người đàn ông xuất tinh trung bình 5-7 lần trong một tuần có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt thấp hơn 36% so với những người xuất tinh ít hơn 2-3 lần mỗi tuần.
Lý giải điều này, nhiều nhà khoa học cho rằng việc xuất tinh thường xuyên là biểu hiện rõ về tình trạng sức khỏe tổng thể của một cá nhân. Những người có xu hướng hoạt động tình dục khỏe mạnh hơn thì nguy cơ mắc ung thư thấp hơn.
Ngược lại cũng có ý kiến cho rằng việc xuất tinh giúp loại bỏ sự tích tụ tinh trùng hoặc mầm bệnh chưa biết nào đó có thể là nguyên nhân dẫn đến những thay đổi trong tuyến tiền liệt.
Thực tế không có một con số cụ thể về số lần xuất tinh một người nên có để giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.
Ung thư tuyến tiền liệt là một bệnh hay gặp ở nam giới trên 50 tuổi. Nó được coi là căn bệnh của người cao tuổi, tần suất mắc bệnh tăng tỷ lệ so với lứa tuổi.
Ung thư tuyến tiền liệt gồm hai thể: thể ẩn và thể có biểu hiện lâm sàng. Thể ẩn không có biểu hiện các triệu chứng lâm sàng, thường được phát hiện khi làm sinh thiết hạch hay sinh thiết xương trên bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng. 30-40% nam giới mắc ung thư tuyến tiền liệt ở thể ẩn.
Có 2 lý do khiến người bệnh phải đi khám là rối loạn tiểu tiện và các dấu hiệu về u lan toả hoặc đã có di căn. Ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn sớm thường không có dấu hiệu nào gợi ý rõ ràng. Đa số các dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt cũng có thể gặp ở các bệnh lý khác.
Người bệnh nên đi khám nếu thấy có biểu hiện tiểu khó, tiểu lắt nhắt, bí tiểu, nước tiểu có máu, tuyến tiền liệt to hơn bình thường và có thể sờ thấy một nhân cứng, đau nhức xương hoặc có thể gãy xương khi gặp một chấn thương nhẹ.
Theo Hà An/Dân trí
(Nguồn The Star)