Đàn ông uống rượu 3 tháng trước khi quan hệ thụ thai, con sinh ra tăng 44% nguy cơ mắc tim bẩm sinh. Tỷ lệ này ở phụ nữ là 16%.
Đàn ông thường xuyên uống rượu tăng nguy cơ con sinh ra mắc khuyết tật bẩm sinh lên 52%. Kết quả nghiên cứu này mới công bố trên tạp chí European Journal of Preventive Cardiology.
Nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Jiabi Qin, làm việc tại trường Đại học Y tế Cộng đồng Xiangya đứng đầu đã tổng hợp những dữ liệu công bố từ năm 1991 đến 2019, gồm 55 nghiên cứu với 41.747 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh và 297.587 trẻ khỏe mạnh. Nghiên cứu kết luận đàn ông nên ngừng uống rượu 6 tháng trước khi thụ thai, phụ nữ trước một năm và trong khi mang thai.
"Chúng tôi quan sát thấy nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh tăng dần khi mức tiêu thụ rượu của cha mẹ tăng lên", ông Jiabi cho biết.
Uống rượu không chỉ ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh mà còn gây hại đến sức khỏe vợ chồng. Ảnh: Evening Standard
Nhóm tác giả lưu ý nghiên cứu mang tính quan sát, không chứng minh mối quan hệ nguyên nhân kết quả giữa việc cha mẹ uống rượu và các dị tật bẩm sinh ở con, hay lượng cồn trong cơ thể người cha hay người mẹ có hại cho tim thai hơn.
Tim bẩm sinh là loại dị tật bẩm sinh phổ biến nhất, với khoảng 1,35 triệu trẻ sơ sinh bị ảnh hưởng mỗi năm. Trẻ bị tim bẩm sinh có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch khi trưởng thành, ngay cả sau khi điều trị bằng phẫu thuật và là nguyên nhân chính gây tử vong khi sinh. Rượu có thể gây rối loạn phổ rượu của thai nhi (FASD). Khoảng một trong bốn trẻ em bị FASD mắc bệnh tim bẩm sinh, cho thấy rượu cũng có thể liên quan đến những rối loạn này.
Theo Lê Hằng/VnExpress
(Nguồn Medical Express)