Chảo bị biến dạng, trầy xước, đổi màu dễ khiến hóa chất chống dính lẫn vào thức ăn ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng, thậm chí gây ung thư.
Chảo bị biến dạng
Tay cầm chảo bị lỏng lẻo hay bề mặt biến dạng thì chiếc chảo sẽ không nằm thẳng trên bề mặt bếp. Khi chế biến, thức ăn chín không đều, ảnh hưởng lớn đến chất lượng của thức ăn và người dùng có nguy cơ ăn thực phẩm sống.
Bề mặt chảo trầy xước
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, axit Perfluorooctanoic (PFOA) còn gọi C8, là một hóa chất nhân tạo được sử dụng trong quá trình sản xuất mặt chảo chống dính. PFOA có nguy cơ gây bệnh ung thư khi bề mặt chảo bị trầy xước và hòa trộn vào thức ăn. Đôi khi người dùng có thể nhầm lẫn hóa chất lốm đốm của chảo với hạt tiêu đen trong thực phẩm.
Bề mặt của chảo bị trầy xước và đổi màu, các hóa chất chống dính có thể trộn lẫn vào thức ăn ảnh hưởng sức khỏe con người. Ảnh: News Form Woman
Ngoài PFOA, nhiều hóa chất khác được sử dụng trong quá trình sản xuất chảo chống dính có thể ngấm vào thức ăn khi chế biến. Tùy thuộc nguyên liệu, các hóa chất nguy hiểm có thể gây nhiều bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Chảo đổi màu
Những chiếc chảo gỉ sét và đổi màu là dấu hiệu cho thấy đã đến lúc bạn nên mua chảo mới. Nếu gỉ hay các chất liệu khác từ chảo rơi vào thức ăn, chúng có thể gây hại cho sức khỏe. Nếu bạn không muốn thay chảo, có thể loại bỏ những vết gỉ hoặc tình trạng đổi màu của chảo bằng muối và giấm ấm.
Theo Cẩm Anh/VnExpress
(Nguồn Eat This)