Nước mũi giúp mũi không bị khô, làm ẩm không khí khi chúng ta hít vào, bảo vệ sức khỏe con người khỏi tác nhân gây hại...
Trong nước mũi, ngoài nước còn có các thành phần như chất dinh dưỡng, hợp chất cacbon, muối và tế bào chết. Hợp chất chủ yếu trong nước mũi chủ yếu là chất keo nhầy được tạo thành từ hợp chất cacbon. Nước mũi còn có các kháng thể, bụi, phấn hoa, một số vi sinh vật và chất xúc tác hoà tan vi nấm, vi khuẩn.
Nước mũi bình thường không màu trong suốt, khi bị cảm ban đầu sẽ có màu trắng và đặc hơn một chút. Ảnh: Womens Health Mag
Các chất nhầy trong nước mũi như một tấm bình phong bảo vệ sức khoẻ của con người. Chúng giúp mũi không bị khô, làm ẩm không khí khi hít vào bên trong, giữ lại bên ngoài bụi, phấn hoa, vi sinh vật để tránh gây dị ứng hô hấp và các bệnh viêm nhiễm.
Nếu khoang mũi bị kích thích hoặc bị viêm, lượng nước mũi sẽ tăng lên. Khi vi khuẩn gây cảm cúm xâm nhập vào các tế bào trong mũi, hệ thống miễn dịch sẽ tạo nên các kháng thể để tiêu diệt chúng. Nghẹt mũi là một phản ứng do hệ thống miễn dịch tạo ra. Ngoài ra, việc tiêu thụ thực phẩm cay cũng tăng chất nhầy dư thừa trong mũi.
Cơ thể của mỗi người sản xuất nước mũi ở mức độ khác nhau, tùy thuộc vào chiều cao, cân nặng và hệ thống miễn dịch. Trung bình mũi của một người khoẻ mạnh sẽ sản xuất khoảng 1-1,5 lít mỗi ngày, chủ yếu là các chất nhầy. Không phải ngày nào chúng ta cũng chảy nước mũi. Vì lông mũi chuyển động từ trước ra sau nên phần lớn chúng sẽ bị đẩy vào cổ họng, phần còn lại sẽ bốc hơi hoặc kết thành gỉ mũi. Nước mũi khi được nuốt vào sẽ được men trong dạ dày hấp thụ, tiêu diệt.
Nước mũi bình thường không màu, trong suốt nhưng khi bị cảm sẽ có màu trắng và đặc. Nếu để lâu hơn, chúng sẽ chuyển màu xanh do chứa các tế bào bạch cầu chống nhiễm trùng. Nếu nước mũi có màu máu hoặc màu nâu, bạn có thể đang bị nhiễm trùng đường hô hấp, đặc biệt là nếu bên trong mũi đã bị kích thích hoặc trầy xước. Nếu chảy máu nhiều, bạn nên gặp bác sĩ thăm khám tìm ra nguyên nhân để điều trị kịp thời.
Theo Cẩm Anh/VnExpress
(Nguồn Medicine Net)