Nghiên cứu mới chỉ ra rằng ô nhiễm không khí có thể là tác nhân liên quan đến các chứng rối loạn sức khỏe tâm thần đang xuất hiện gia tăng ở trẻ em, điển hình như rối loạn lo âu và trầm cảm.
Ảnh minh họa: Earth.com
Kênh CNN dẫn nghiên cứu được đăng trên tạp chí “Environmental Health Perspectives” tuần trước cho biết các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng tiếp xúc ngắn hạn với bầu không khí ô nhiễm mức độ cao đã làm tăng số ca bệnh nhi khám sức khỏe tâm thần.
Do nhóm chuyên gia tại Đại học Cincinnati và Trung tâm Y tế Bệnh viện Nhi Cincinnati (Ohio, Mỹ) tiến hành từ cách đây 5 năm, nghiên cứu từng chỉ ra bằng chứng liên quan giữa những loại hạt có hại trong không khí với chứng rối loạn tâm thần ở người lớn, song tác động của chúng đối với trẻ nhỏ vẫn chưa được kiểm chứng.
Nghiên cứu trên tập trung vào phân tử bụi mịn, hay còn gọi là PM2.5. Loại hạt siêu nhỏ này – đường kính dưới 2,5 micromet - có thể len sâu vào phổi của con người sau đó chạy đến các cơ quan nội tạng khác và mạch máu. Chúng gây kích ứng, viêm hệ hô hấp, nếu tiếp xúc lâu có thể gây ung thư và đột quị.
Nhóm chuyên gia đã phân tích các lần khám bệnh của bệnh nhi rồi theo dõi mức độ PM2.5 tại khu vực họ sinh sống. Cuối cùng, họ nhận ra rằng bất kể khi nào mức độ PM2.5 tăng, sẽ có nhiều bệnh nhi đến khám tâm thần trong vài ngày sau.
Những trường hợp đi khám vào đúng ngày ô nhiễm không khí tăng thường liên quan đến chứng tâm thần phân liệt. Từ 1 – 2 hôm sau ngày bụi mịn xuất hiện gia tăng, sẽ có nhiều ca khám rối loạn hành vi cũng như có ý định tự tử.
Ông Patrick Ryan, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: "Nhìn chung, những nghiên cứu này bổ sung vào loạt bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong giai đoạn đầu đời và thời thơ ấu có thể góp phần gây ra trầm cảm, lo lắng cùng các vấn đề sức khỏe tâm thần khác ở tuổi thiếu niên".
Ông Ryan cũng cảnh báo cần thêm nhiều nghiên cứu về mối liên hệ này, song những phát hiện trên có thể giúp đưa ra chiến lược phòng ngừa mới cho trẻ em có biểu hiện về những triệu chứng đó.
Thực tế, phân tích dựa trên trẻ em nghèo – những người đã phải hứng chịu các tác động tiêu cực lớn hơn của ô nhiễm không khí - cũng chứng minh rằng hai yếu tố ô nhiễm và môi trường sống lân cận đã kết hợp với nhau để gây tác động nghiêm trọng về mức độ mắc bệnh tâm thần.
Mặc dù nhóm nhà khoa học do ông Patrick Ryan dẫn đầu đặc biệt tập trung vào bụi mịn, nhưng vẫn còn nhiều nghiên cứu gần đây khác chỉ ra mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và sức khỏe tâm thần của người ít tuổi. Một nghiên cứu tại Anh hồi tháng 3 cho thấy thanh thiếu niên sống ở thành phố có xu hướng mắc rối loạn tâm thần khi trưởng thành nhiều gấp đôi bạn bè đồng trang lứa ở vùng nông thôn, do tiếp xúc với nitrogen dioxide nhiều hơn.
Không khí ô nhiễm chỉ là một phần tác động từ vấn nạn biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người. Các chuyên gia từng cảnh báo tình trạng tăng nhiệt độ, cháy rừng và ô nhiễm không khí đang gây rối loạn căng thẳng sau chấn thương, lạm dụng chất kích thích và trầm cảm.
Theo ghi nhận của hệ thống quan trắc không khí AirVisual quốc tế, vào sáng 30/9, Hà Nội tiếp tục được ghi nhận là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với mức độ ô nhiễm vượt qua báo động đỏ, lên tới ngưỡng tím với chỉ số AQI là 272 vào lúc 6h30 sáng. Đây là mức nguy hại đến sức khỏe của tất cả mọi người.
Theo Hoàng Trang/Báo Tin tức