Bà Liu Chi Chang đi đến góc phòng, mở tấm vải phủ trên các phím đàn piano, hai bàn tay mềm mại di chuyển chơi bản nhạc Mai hoa tam lộng.
Tay linh hoạt, gương mặt bừng sáng và tập trung, bà cụ 103 tuổi đắm chìm trong những giai điệu phát ra từ những ngón tay trên phím đàn của mình.
"Chơi đàn mỗi ngày kết hợp với đọc báo sẽ giúp chúng ta trở nên hạnh phúc hơn, tâm trạng thoải mái, vui vẻ, ngăn ngừa sự lão hóa của não, giúp cải thiện trí nhớ, rất có lợi cho sức khỏe", bà nói sau khi âm vang nốt nhạc cuối cùng kết thúc.
Trước khi về hưu, bà Liu là một giáo viên. Nhiều năm giảng dạy khiến bà Liu hình thành thói quen đọc sách, báo. Bà đặt mua báo định kỳ mỗi năm. Thông thường, bà Liu đọc báo trong lúc nghe nhạc. "Nghe nhạc có thể khiến cho não tôi suy nghĩ tích cực hơn, còn đọc sách báo sẽ khiến tôi tích lũy thêm nhiều kiến thức mới", bà cho biết.
Bà Liu chơi piano mỗi ngày. Ảnh: Kuaibao.qq
Bà Liu dáng vóc nhỏ bé nhưng luôn tràn đầy sức sống và tinh thần lại vô cùng lạc quan. Ở tuổi trên 100, bà cụ lại không có đồi mồi trên khuôn mặt, dù chỉ một đốm. Ngoài đọc báo và chơi đàn, bà luyện tập hàng ngày để thân hình dẻo dai. Bà Liu thức dậy lúc 6h sáng mỗi ngày. Sau khi làm vệ sinh cá nhân xong, bà bắt đầu đứng ở trước cửa sổ tập thể dục.
Đầu tiên bà bắt đầu với các động tác khởi động như xoay, vặn eo rồi lần lượt đến các động tác với tay, chuyển động tay theo chiều kim đồng hồ rồi ngược lại. Khởi động được 10 phút, bà Liu từ từ vặn ngược lại bàn tay phải sau đó đưa vòng qua cổ mình, cơ thể dường như vẫn thẳng đứng, không vì tay đưa vòng lên qua cổ mà xuất hiện khúc cong. Sau khi làm xong động tác bên tay phải, bà Liu lại tiếp tục làm như vậy với tay trái, lặp đi lặp lại 5 lần.
Làm xong động tác kéo giãn cơ tay, hai chân bà Liu đứng thẳng, khom người để tay chạm tới mũi chân, lặp đi lặp lại như vậy nhiều lần. Luyện tập xong, mặt bà không hề đỏ, hơi thở cũng không gấp gáp.
"Luyện tập giãn cơ đều đặn có thể giúp loại bỏ các cơn đau trên cơ thể", bà Liu nói. "Tôi bắt đầu luyện tập từ 50 tuổi, lúc bắt đầu mỗi ngày tôi tập một động tác, dần dần sau vài năm mới có thể tập thành thạo khiến tay và cơ thể mềm mại hơn, sau đó đạt được mục đích luyện tập".
Ở tuổi 103, bà Liu vẫn tự nấu ăn, làm mọi việc nhanh nhẹn như người trẻ. Ảnh: Kuaibao.qq
Ba bữa một ngày, bà Liu đều tự mình nấu ăn và có một thời gian biểu nhất định. Bà thích nấu những món như trứng, thịt nạc, đậu phụ và các loại rau theo mùa như mướp, cà chua, dưa, bí... Tất cả đem nấu cùng với gạo, bà cảm thấy nấu như thế vừa ngon vừa dễ tiêu hóa.
Bữa sáng, bà Liu thích nấu cháo sen. Cháo sen có hạt sen, gạo nếp, chà là đỏ, rửa sạch cho tất cả vào nồi áp suất và nấu. Bà Liu giới thiệu hạt sen trung tính, ngọt, bổ lách lợi thận. Chà là đỏ, vị ngọt, có lợi dạ dày. Gạo nếp giàu protein và các axit amin thiết yếu cho cơ thể, ngoài ra còn có chất béo, canxi, photpho, sắt cùng với các thành phần dinh dưỡng khác. Kết hợp những thành phần lại có thể giúp thanh nhiệt cơ thể, an thần, tốt cho tim mạch. Món cháo nấu như thế này, hôm nay nêm muối thì ngày mai cho đường, bà Liu đã ăn như vậy suốt nhiều năm qua không chán.
Cuộc sống của bà Liu giản dị, chất lượng cuộc sống lại rất tốt. Vì thế, bà khỏe mạnh, minh mẫn, cơ thể ngày càng dồi dào sức sống dù ở cái tuổi "gần đất xa trời".
Theo Hồng Tuyết/VnExpress
(Nguồn Xinhua Net)