Cho trẻ bú sữa mẹ, chế độ dinh dưỡng cân bằng, tiêm đủ vắcxin, không thay đổi nhiệt độ phòng đột ngột giúp bé phòng nhiễm khuẩn tiêu hóa, hô hấp...
Thông tin được các bác sĩ nhi khoa chia sẻ tại hội thảo "Khoảng trống miễn dịch ở trẻ và xu hướng bổ sung kháng thể IgG cho trẻ có miễn dịch khỏe" do Bộ Y tế phối hợp cùng nhãn hàng sữa VitaDaiy vừa tổ chức tại TP HCM. Trước đó, chương trình diễn ra tại Hà Nội và Cần Thơ nhằm góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe cho trẻ em.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 2 trong phần báo cáo.
Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, hô hấp là hai bệnh nhiễm khuẩn thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi. Giai đoạn chuyển mùa, thời tiết nắng nóng khiến số lượng trẻ mắc bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa và hô hấp tăng mạnh, nhất là tại khu vực phía Nam. Tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, trong quý I có gần 100.000 lượt trẻ đến khám các bệnh liên quan đến hô hấp và tiêu hóa, tương đương gần 1.300 ca mỗi ngày. Trong số đó, chủ yếu là các bệnh nhiễm khuẩn tiêu hóa, nhiễm khuẩn hô hấp, chiếm tỷ lệ 95%.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) thông tin, số lượng trẻ đến khám bệnh viện tăng 20-30%. Dưới đây là một số cách giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.
Duy trì cho trẻ bú sữa mẹ
Hệ miễn dịch của trẻ nhỏ trong những năm tháng đầu đời chưa hoàn thiện. Trẻ cần được bú sữa mẹ để nhận các kháng thể nhằm tăng cường hệ miễn dịch. Tốt nhất nên cho trẻ bú 72 giờ đầu sau sinh để nhận được sữa non, nên duy trì nguồn sữa mẹ cho trẻ ít nhất trong 6 tháng. Những trẻ sinh mổ cần tăng cường bú sữa mẹ do trong quá trình sinh, trẻ không được tiếp xúc với vi khuẩn có lợi của mẹ thông qua đường âm đạo.
Chế độ dinh dưỡng cân bằng
70% hệ miễn dịch nằm ở đường ruột. Dinh dưỡng đầy đủ cung cấp năng lượng cho cơ thể, trong đó có hệ miễn dịch. Trẻ cần ăn đa dạng thực phẩm, đầy đủ 4 nhóm chất đạm, béo, bột đường, vitamin và khoáng chất. Ăn đủ đạm như thịt, cá, trứng, sữa... giúp cơ thể trẻ tạo ra kháng thể. Chất béo có lợi cho miễn dịch như DHA, Omega 3, 6, 9, thường có trong mỡ cá.
Trong nhóm tinh bột, chất xơ rất quan trọng, giúp cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Chất xơ khi được các vi khuẩn có lợi sử dụng tạo thành axit béo chuỗi ngắn, nuôi dưỡng tế bào niêm mạc ở ruột, giúp tế bào miễn dịch phát triển tốt hơn, ngăn vi khuẩn gây bệnh. Chế độ ăn cầu chú trọng rau củ quả như khoai lang, cà rốt, chuối.... Vitamin và khoáng chất như vitamin A, C, D, E tăng miễn dịch, chống oxy hóa.
Trẻ cần uống đủ nước mỗi ngày. Nước cần cho chức năng của các cơ quan, tiêu hóa cần nước để tống các chất đàm, nhớt, vi khuẩn ra ngoài. Mẹ cho trẻ uống nước theo nhu cầu, sau bữa ăn, sau khi vui chơi, vận động. Dù thời tiết nắng nóng nhưng mẹ cần hạn chế cho trẻ uống lạnh vì cơ thể dễ bị thay đổi nhiệt độ, có thể gây viêm họng, viêm hô hấp...
Ngủ đủ giấc, tăng cường vận động
Hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn nếu ngủ đủ giấc. Thời ngủ mỗi ngày của trẻ sơ sinh khoảng 16-18 giờ, trẻ mới biết đi 12-13 giờ. Trẻ nhỏ cần được ngủ sớm trước 21 giờ. Nếu trẻ ngủ ít hoặc giấc ngủ ngắn vào buổi trưa nên cho bé ngủ tối sớm. Trẻ dưới 3 tuổi cũng cần các hoạt động chạy nhảy, vui chơi. Tăng cường vận động gia tăng hoạt động của hệ miễn dịch.
Tiêm vắcxin đầy đủ
Vắcxin kích thích cơ thể trẻ sản sinh ra các loại miễn dịch chống lại nhiều bệnh nguy hiểm. Trẻ cần được tiêm đầy đủ vắcxin theo lịch tiêm chủng. Một trong những loại vắcxin cha mẹ cần lưu ý là Rota virus vì loại virus này gây ra tiêu chảy, bệnh tiêu hóa rất nặng, nhất là dưới 5 tuổi. Các loại virus như rhino, cúm, phế cầu có thể gây ra nhiễm khuẩn hô hấp nên cũng cần cho trẻ tiêm phòng ngừa.
Giữ sạch môi trường sống
Trẻ cần vệ sinh thân thể sạch sẽ, hạn chế tiếp xúc với khó bụi, thuốc lá, bụi bẩn, chó mèo... Thời tiết nắng nóng tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển. Sử dụng điều hòa, quạt... làm cơ thể thay đổi nhiệt độ, trẻ khó thích nghi. Cha mẹ nên lưu ý không để cho phòng trẻ thay đổi nhiệt độ đột ngột. Khi cho trẻ từ môi trường nóng sang lạnh hoặc ngược lại cần cho trẻ ở cửa phòng khoảng 5-10 phút. Trẻ ngủ điều hòa cần mặc quần áo dài tay, uống đủ nước.
Hạn chế sử dụng kháng sinh
Loạn khuẩn ruột, mất cân bằng hệ sinh thái trong đường ruột làm suy yếu hệ miễn dịch. Lạm dụng kháng sinh có thể làm suy yếu hệ miễn dịch. Tình trạng kháng kháng sinh còn làm cho điều trị bệnh cho trẻ khó khăn hơn. Khi thấy trẻ đau bụng, mệt mỏi, nôn ói... mẹ cần theo dõi tình trạng sức khỏe của con. Nếu thấy có bất thường nên đưa trẻ đến bệnh viện, không tự ý mua thuốc cho con uống.
Bổ sung kháng thể
Trước 6 tháng, trẻ nhận kháng thể từ từ mẹ truyền sang con trong bào thai nên có hệ miễn dịch khỏe. Từ 6-36 tháng, kháng thể từ mẹ truyền sang con không còn, trong khi cơ thể chưa tự sinh ra đủ kháng thể nên hệ miễn dịch của trẻ yếu và có nguy cơ bị nhiễm bệnh. Giai đoạn này thường gọi là khoảng trống miễn dịch. Mẹ có thể cho con uống bổ sung kháng thể để phòng chống nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, hô hấp ở trẻ. Kháng thể IgG có tác dụng kháng khuẩn trực tiếp, trung hòa nội độc tố vi khuẩn tại đường tiêu hóa, góp phần ức chế tình trạng viêm tại ruột, thúc đẩy tái tạo lớp màng nhầy....
Theo Kim Uyên/VnExpress