Nhiều khu vực tại Hà Nội đang được cảnh báo là 'điểm nóng' có thể bùng phát dịch sốt xuất huyết. Khi bị sốt xuất huyết, bệnh nhân cần tránh những điều sau đây để hạn chế biến chứng nguy hiểm.
Khi ăn hoặc uống các loại thực phẩm hay thức uống có màu, phân của bệnh nhân sốt xuất huyết có thể bị nhuộm màu tối. Vì thế, chúng ta sẽ khó phân biệt với phân có lẫn máu trong trường hợp người bệnh bị xuất huyết tiêu hóa. Ảnh minh hoạ: Internet
Dấu hiệu của sốt xuất huyết khi thấy các triệu chứng sốt cao đột ngột liên tục 39-40 độ C, kéo dài 2-7 ngày, đau đầu, đau mình mẩy kèm các dấu hiệu phát ban, nổi hạch, da xung huyết, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chân răng, nên đến bệnh viện khám để xác định sớm xuất sốt huyết và điều trị kịp thời đúng bệnh.
Đối với phụ nữ mang thai, theo các BS cho biết bệnh sốt xuất huyết không dẫn tới dị dạng thai nhi. Tuy nhiên trong những hợp bị sốt xuất huyết nặng, xuất huyết nội tạng thì phụ nữ mang thai có nguy cơ bị sẩy thai hoặc đẻ non.
Không tự ý dùng thuốc hạ sốt
Theo TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai, sốt xuất huyết có thể điều trị tại nhà nếu chưa có biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, người bệnh hay tự ý sử dụng thuốc hạ sốt và hạ sốt dồn dập.
TS Cường cho biết sốt xuất huyết có triệu chứng sốt cao nên người nhà thường cho sử dụng thuốc liên tục nhất là trẻ em cứ sốt cao là cho uống hạ sốt.
TS Cường nhấn mạnh bệnh này sốt do vi rút nên nhiệt độ hạ xong lại tiếp tục tăng cao. Người bệnh chỉ nên dùng thuốc giảm sốt theo đúng chỉ định của bác sĩ 4-5 lần/ngày khoảng cách thời gian là 5-6 giờ/lần. Nếu sử dụng thuốc hạ sốt quá liều liên tục sẽ dẫn đến tổn thương gan, kể cả thuốc hạ sốt nhét hậu môn đối với trẻ em.
Khi chưa xác định sốt do bệnh gì thì không nên tự ý sử dụng các thuốc hạ nhiệt, như thuốc aspirin hay ibuprofen. Trường hợp không mong muốn, hai loại thuốc này sẽ khiến tình trạng chảy máu ở bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue trở nên trầm trọng hơn, thậm chí xuất huyết dạ dày nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng.
Thay vì vậy, có thể hạ sốt bằng những cách khác không dùng thuốc. Chẳng hạn như, cho bệnh nhân mặc quần áo mỏng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, chườm khăn ấm lên trán, lau sạch mồ hôi cho người bệnh. Thuốc hạ sốt chỉ nên dùng sau khi có chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, tuyệt đối không thực hiện các hình thức cạo gió, bắt gió cho bệnh nhân.
Không ăn các thực phẩm có màu đen, nâu, đỏ
Khi ăn hoặc uống các loại thực phẩm hay thức uống có màu, phân của bệnh nhân sốt xuất huyết có thể bị nhuộm màu tối. Vì thế, chúng ta sẽ khó phân biệt với phân có lẫn máu trong trường hợp người bệnh bị xuất huyết tiêu hóa.
Đôi khi bệnh nhân nôn ra bệnh phẩm có màu thâm đen bất thường thì cũng khó phân biệt được đó là màu của thực phẩm hay màu của máu do tình trạng xuất huyết tiêu hóa.
Không ăn trứng khi bị sốt xuất huyết
Trứng có thể sinh ra một lượng nhiệt lượng lớn tích trữ trong cơ thể người bệnh. Đối với bệnh nhân bị sốt xuất huyết Dengue, nhất là trẻ em, khi ăn trứng gà sẽ làm thân nhiệt tăng lên, nhiệt lượng không phát tán ra ngoài được, khiến cho tình trạng sốt lâu khỏi. Chính vì vậy, ăn trứng là điều kiêng kỵ khi bị nhiễm virus Dengue.
Không uống trà đặc, cà phê, hút thuốc, uống rượu
Tất cả những thức uống này đều có chứa cafein, khiến cho não bị kích thích, làm tăng huyết áp, tim đập nhanh và cơ thể trở nên mệt mỏi hơn. Bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết Dengue khi uống trà đặc còn làm giảm tác dụng của một số loại thuốc hạ sốt. Hơn nữa, trong trà có chứa một số chất có tác dụng tăng nhiệt độ của cơ thể, khiến cho tình trạng sốt trở nên trầm trọng hơn.
Không ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ
Dầu mỡ là tác nhân hàng đầu gây ra đầy bụng, khó tiêu. Điều này khiến cho cơ thể người bệnh ì ạch, mệt mỏi, bệnh chậm hồi phục hơn.
Không ăn uống đồ ngọt
Nước ngọt có gas, bánh kẹo ngọt, mật ong và các thực phẩm có chứa đường là những thứ mà bệnh nhân nên tránh. Việc hấp thụ quá nhiều đường vào cơ thể sẽ khiến các tế bào bạch cầu hoạt động chậm chạp, khả năng diệt khuẩn yếu ớt và bệnh sốt xuất huyết càng lâu khỏi.
Không ăn đồ cay nóng
Khi nhiễm virus Dengue, sức đề kháng của bệnh nhân bị suy giảm, năng lượng cũng bị hao hụt ít nhiều. Việc nạp vào cơ thể các món ăn cay nóng không chỉ khiến cơ thể mệt mỏi, bệnh nặng thêm mà còn ảnh hưởng đến khả năng hồi phục của bệnh nhân.
Hạn chế muỗi tiếp xúc với da
Nguyên nhân gây ra sốt xuất huyết Dengue chính là muỗi truyền virus. Khi đã mắc bệnh tức là nhiều khả năng bạn đang nằm trong vùng bùng phát dịch bệnh. Do vậy, không được để muỗi tiếp xúc với da, không những bị truyền thêm một lượng virus làm bệnh nặng thêm, mà còn xảy ra nguy cơ lây bệnh cho những người thân xung quanh.
Không được tắm nước lạnh
Triệu chứng xuất huyết có thể xảy ra vào ngày thứ 2 hoặc thứ 3 sau khi nhiễm virus Dengue. Tình trạng này kéo dài vài ngày, nhiều trường hợp nặng hơn có thể tới trên 2 tuần. Xuất huyết có thể gặp ở niêm mạc da hoặc trên nhiều vị trí của cơ thể. Với những biểu hiện như thế, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi ở nhà, không nên ra gió, không tắm nước lạnh.
Việc vệ sinh cơ thể chỉ nên thực hiện bằng cách lau người bằng nước ấm, vì nước lạnh làm co mạch ở bề ngoài da nhưng lại làm giãn mạch bên trong nội tạng cơ thể, đây là một căn nguyên gây ra tử vong liên quan đến xuất huyết.
Theo Quảng An/Tiền Phong