Việt Nam đứng thứ 3 về tỷ lệ mắc ung thư gan theo giới tính nam và đứng thứ 4 về tỷ lệ cả hai giới. Ở giai đoạn đầu bệnh có ít triệu chứng nên thường bị bỏ qua.
Ung thư gan là bệnh ung thư phổ biến thứ 5 ở nam giới và là bệnh ung thư phổ biến thứ 9 ở phụ nữ. Theo World Cancer Research Fund, Việt Nam là nước đứng thứ 3 về tỷ lệ mắc ung thư gan theo giới tính nam, và đứng thứ 4 về tỷ lệ cả hai giới bởi nhận thức ban đầu về bệnh chưa được cao.
Ung thư gan giai đoạn sớm ít có triệu chứng nên thường phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn khi đã có biến chứng, đáng tiếc lúc đó nhiều người mới nhận ra bệnh.
Để phát hiện sớm giai đoạn của bệnh, bác sĩ khuyến cáo người dân nên chú ý các dấu hiệu cảnh báo ung thư gan như sau:
- Đau vùng bụng trên bên phải (đau có thể lan tới lưng và vai).
- Bụng trướng do dịch ứ trong ổ bụng.
- Cảm thấy no hay đầy hơi sau khi ăn.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Sốt cao, mệt mỏi, buồn nôn và nôn.
- Vàng da.
- Phân nhạt màu.
Điều trị ung thư gan như thế nào?
Khi được phát hiện sớm và trước khi bắt đầu giai đoạn xơ gan, ung thư gan được điều trị theo các phương pháp như nghẽn mạch, đốt sóng cao tần, tiêm phóng xạ, phẫu thuật cắt bỏ khối u.
Khi ung thư gan ở giai đoạn muộn và đã bắt đầu xơ gan, phương pháp điều trị duy nhất là ghép gan. Gan hiến, có thể lấy từ lá gan khỏe mạnh từ người hiến đã qua đời, hoặc là một phần lá gan khỏe mạnh của người hiến sống, được ghép cho bệnh nhân.
Cũng như các loại ghép tạng khác, ghép gan cũng có nhiều rủi ro, rủi ro chính là thải ghép, đó là khi hệ miễn dịch của người nhận tấn công lá gan mới và ngăn không cho nó thực hiện chức năng. Thuốc ức chế miễn dịch thường được kê để làm giảm nguy cơ thải ghép, nhưng có thể làm cơ thể dễ bị viêm nhiễm do hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy yếu.
Làm sao để ngăn ngừa ung thư gan?
Trước tiên, chúng ta cần được thử máu để tìm xem có bị nhiễm viêm gan B và C hay không. Không phải tất cả mọi người bị nhiễm đều cần điều trị như nhau, có người cần điều trị ngay có người cần được theo dõi.
Những người bị nhiễm viêm gan B và C không uống rượu, hút thuốc lá, tránh bị béo phì. Cần chăm vận động, sống lành mạnh, tránh dùng các hóa chất hoặc các thuốc không rõ đặc tính kể cả dược thảo và các thuốc quảng cáo là "bổ gan", "mát gan", "chữa viêm gan" không được khoa học công nhận để tránh làm hại cho gan. Trẻ em đều cần được chủng ngừa viêm gan siêu vi B, các người lớn có nguy cơ nhiễm siêu vi B cao cũng cần chủng ngừa.
Cho đến nay chưa có thuốc chủng ngừa viêm gan siêu vi viêm gan C. Mọi người nên thận trọng trong mọi hoạt động thường ngày để ngừa bệnh.
Những thực phẩm phòng ung thư gan hiệu quả
- Chế phẩm từ sữa: Các chuyên gia đã chỉ ra rằng việc dùng chế phẩm từ sữa mỗi ngày sẽ giảm 78% nguy cơ ung thư gan.
- Rau: Trung bình một ngày ăn từ 400 đến 800g rau quả sẽ giúp giảm 20% nguy cơ ung thư gan.
- Trái cây giàu vitamin C: Chất limonene trong các loại quả có múi hỗ trợ ức chế hoạt động của gen ung thư RAS – loại gen có biểu hiện quá mức trong 9/10 loại ung thư. Ngoài ra các loại quả có múi còn chứa acid citric, giúp vô hiệu hóa glycolosis, ngừng cung cấp chất dinh dưỡng và tiêu diệt các tế bào ung thư.
- Hành tây, hành tím: hành có vị thơm, có chứa polyphenol dồi dào, làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư gan
Theo An An/VietNamNet
(Nguồn World Cancer Research Fund)