Tỷ lệ học sinh bị thừa cân béo phì đang ở mức rất cao, các bệnh không lây nhiễm dự báo sẽ trở thành gánh nặng trong tương lai. Chế độ ăn uống và vận động hợp lý là giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả để trẻ phát triển cân đối cả thể chất và trí lực.
Báo động trẻ thừa cân, béo phì
Việt Nam đang đối diện với gánh nặng về tỷ lệ trẻ ở tuổi học đường bị thừa cân béo phì. Tại TPHCM, tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì đang ở mức rất cao, theo thống kê kết quả khám sức khỏe học đường toàn thành phố năm học 2018 – 2019 tỷ lệ thừa cân, béo phì ở nhóm tuổi học đường chiếm tới gần 31% trên tổng số học sinh ở cả 3 cấp học. Đặc biệt, tỷ lệ béo phì ở trẻ cấp tiểu học chiếm gần 43%.
Trẻ thừa cân, béo phì là giai đoạn "cửa sổ" của nhiều bệnh tật
Theo BS Nguyễn Thị Vy Uyên, Phó giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng, TPHCM thừa cân béo phì là yếu tố nguy cơ gây ra hàng loạt các bệnh lý liên quan đến tim mạch, đái tháo đường, ung thư và các bệnh không lây nhiễm khác cho trẻ trong tương lai. Các bệnh này có liên quan đến hoạt động thể chất, việc học tập, tâm sinh lý, mang lại gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Chế độ dinh dưỡng và tăng cường vận động thể lực không chỉ giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất mà còn giúp phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm đang ngày càng gia tăng trong lứa tuổi học đường.
Thức ăn nhanh đang trở thành món khoái khẩu của con trẻ khiến cơ thể tăng cân mất kiểm soát
Đối với học sinh nói chung và học sinh cấp tiểu học nói riêng, phụ huynh học sinh, cán bộ y tế trong trường học cần quan tâm hơn trong vấn đề dinh dưỡng hợp lý và vận động thể lực bởi đây là giai đoạn cơ thể trẻ cần nhiều dưỡng chất, sự rèn luyện thể lực hợp lý để phát triển tối ưu sức khỏe thể chất và tinh thần.
Chế độ ăn uống, vận động hợp lý
Để hạn chế tối đa nguy cơ thừa cân béo phì, bác sĩ khuyến cáo gia đình và nhà trường cần thực hành dinh dưỡng hợp lý cho trẻ bằng các giải pháp: ăn nhiều rau xanh và trái cây để cung cấp đủ vitamin, khoáng chất và chất xơ; hạn chế ăn uống đồ ngọt như bánh kẹo, trà sữa, kem, chè, nước ngọt đóng chai, nước trái cây có thêm đường.
Cần hạn chế những món ăn nhiều dầu mỡ, muối và đường trong khẩu phần của trẻ
Trong mỗi bữa ăn cần hạn chế tối đa các món nhiều thịt mỡ, đồ ăn chiên ngập dầu mỡ; món ăn chế biến từ phủ tạng động vật; thức ăn nhanh như gà rán, khoai tây chiên; cá viên chiên, xúc xích chiên…
Khẩu phần ăn của trẻ cần giảm muối và gia vị chứa nhiều muối bằng cách hạn chế các món kho, rim, rang như: thịt kho, cá kho, lạc rang muối…; hạn chế thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối như: bánh tráng trộn, xúc xích, giăm bông, thịt xông khói, dưa muối, cà muối, mì tôm, bim bim… hạn chế chấm thức ăn vào nước mắm, xì dầu hoặc muối trong bữa ăn.
Ăn uống hợp lý, tăng cường tập luyện thể lực là giải pháp để có cơ thể khỏe mạnh, cân đối
Để trẻ “đốt” lượng mỡ thừa giúp cơ thể săn chắc, khỏe mạnh thay vì cho trẻ ngồi ì một chỗ vùi mình vào trong các trò chơi điện tử, xem phim gia đình cần tạo điều kiện đưa trẻ đi tham gia các hoạt động thể dục thể thao như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, học võ, bơi lội, đá cầu, múa, khiêu vũ, thể dục nhịp điệu… Tập cho trẻ thói quen làm việc nhà như phụ giúp quét dọn nhà cửa, giặt quần áo, phụ làm bếp… đây vừa là hình thức giúp trẻ vận động thể lực nhưng cũng là phương pháp giáo dục để nâng cao ý thức của trẻ trong chia sẻ giúp đỡ mọi người, tránh thói quen ỉ lại thiếu tính tự lập.
Khi trẻ đi học, nhà trường cần khuyến khích học trò tích cực tham gia các giờ thể dục, tham gia các trò chơi vận động trong giờ nghỉ giải lao giữa các tiết học. Khuyến khích trẻ đi bộ đến trường (nếu có thể); định hướng, tập cho trẻ thói quen đi cầu thang bộ thay vì sử dụng thang máy.
Theo Vân Sơn/Dân Trí