Nhiều tỉnh thành quanh thành phố có dân số lớn nhất cả nước đã bị dịch tả lợn Châu Phi tấn công. Giữa vòng vây của dịch bệnh, đàn lợn của thành phố đang bị đe dọa, người tiêu dùng đối mặt với nguy cơ thiếu thịt trong thời gian tới.
Nỗ lực phòng chống giữa “tứ bề thọ dịch”
Theo thống kê từ Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện đã có 29 tỉnh thành trên cả nước bị dịch tả lợn Châu Phi tấn công, số lợn trong vùng dịch bị tiêu hủy lên tới hơn 1,2 triệu con. Tại khu vực phía Nam, 3 tỉnh thành vừa phát hiện dịch là Bình Phước, Đồng Nai và Hậu Giang, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây lan sang các tỉnh thành khác nếu không có giải pháp khoanh vùng dập dịch, ngăn chặn kịp thời.
Các chốt kiểm dịch đăng căng mình kiểm tra ngăn chặn nguy cơ lợn bệnh tràn vào thành phố
Dịch tả lợn Châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút khiến lợn mắc bệnh chết sau các biểu hiện sốt cao, xuất huyết nặng, bệnh chưa có vắc xin và thuốc điều trị. Dịch lây nhiễm trên loài lợn (bao gồm lợn rừng và lợn nuôi), không gây bệnh cho con người và các loài động vật khác. Dịch tả lợn lây bệnh trực tiếp từ lợn bệnh sang lợn lành và gián tiếp gây bệnh thông qua thức ăn thừa dùng để chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi...
TPHCM hiện có gần 4.000 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn khoảng 300.000 con. Trong đó có 274 hộ nuôi lợn bằng nguồn thức ăn thừa được thu gom tại các nhà hàng, quán ăn có nguy cơ cao đối với bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Theo thống kê của Chi cục Thú Y, trên địa bàn thành phố hiện có 11 cơ sở giết mổ lợn tập trung với số lượng mỗi ngày khoảng 7.000 con. Bên cạnh đó nhiều lò giết mổ lậu đang lén lút hoạt động, sử dụng nguồn lợn không rõ nguồn gốc là mối đe dọa trực tiếp đến sự an toàn cho đàn lợn nuôi của thành phố trong bối cảnh dịch lợn Châu Phi đã áp sát.
Ban An toàn Thực phẩm thành phố tăng cường kiểm tra tại các chợ
Trước tình hình trên, UBND thành phố đã chỉ đạo những đơn vị liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp phòng dịch. Các chốt kiểm dịch tạm thời được lập tại những tuyến cửa ngõ của thành phố như tuyến Quốc lộ 50; tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương, Tiền Giang; tuyến đường Trần Văn Giàu (Tỉnh lộ 10); chốt cầu Phú Long… để ngăn nguồn lợn và sản phẩm thịt lợn chưa qua kiểm dịch vận chuyển vào thành phố giết mổ, tiêu thụ. Cảnh sát giao thông đường thủy cũng đang tăng cường kiểm soát việc vận chuyển lợn và sản phẩm thịt lợn qua phương tiện ghe thuyền.
Hiện thành phố chưa phát hiện dịch tả lợn Châu Phi trên các sản phẩm thịt và lợn nuôi
Ngoài nỗ lực liên kết với các tỉnh thành thực hiện giải pháp phòng chống dịch, tăng cường lấy mẫu xét nghiệm giám sát, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, TPHCM đã ra “tối hậu thư” cho các chốt kiểm dịch: “Trường hợp phát hiện giết mổ gia súc trái phép, vận chuyển lợn sống, phủ tạng và sản phẩm có nguồn gốc từ thịt lợn không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, áp dụng biện pháp tiêu hủy đối với toàn bộ tang vật”.
Nguy cơ thiếu thịt vì dịch bệnh
Với dân số khoảng 13 triệu người, TPHCM là địa phương có sức tiêu thụ thực phẩm lớn nhất cả nước song khả năng tự cung cấp chỉ đạt 20% số còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành khác. Bình quân mỗi ngày toàn thành tiêu thụ trên 10 nghìn con lợn. Bằng nhiều nỗ lực ngăn chặn, đến nay trên địa bàn chưa phát hiện đàn lợn mắc dịch tả lợn Châu Phi, tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh đã áp sát “nóng” nguồn lợn thịt từ các tỉnh thành nhập vào thành phố luôn tiềm ẩn nguy cơ mang lợn dịch bệnh, đe dọa đến an nguy của đàn lợn nuôi.
Khoảng 10 nghìn con lợn được giết mổ cung cấp cho nhu cầu của thị trường 13 triệu dân mỗi ngày
Tỉnh Đồng Nai lâu nay được mệnh danh là “thủ phủ” chăn nuôi lợn lớn nhất cả nước. Từ ngày 25/2/2019 đến nay, nguồn lợn nhập vào TPHCM giết để mổ chủ yếu đến từ Đồng Nai (chiếm 46,4%) kế đến là Bình Dương (19%), Bình Thuận (10,9%), Bà Rịa-Vũng Tàu (8%). Ngoài ra, thành phố còn tiếp nhận thịt lợn đã giết mổ từ Đồng Nai và các tỉnh Long An, Bình Dương, Tây Ninh, nguồn lợn sống từ Đồng Nai cung cấp cho các tỉnh này chiếm khoảng 40%.
Trong trường hợp tỉnh Đồng Nai bị “thất thủ” trước dịch lợn Châu Phi, thêm vào đó dịch tiếp tục lây lan sang nhiều tỉnh thành và tấn công đàn lợn nuôi tại TPHCM khiến lợn bị tiêu hủy hàng loạt, thị trường 13 triệu dân Sài Gòn sẽ khó tránh khỏi nguy cơ thiếu thịt cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ rất lớn hàng ngày của người dân.
Giải pháp cấp đông thịt lợn được tính đến nhưng rủi ro rất cao vì phát sinh chi phí, trong khi cộng đồng đã quen sử dụng thịt nóng
Để chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu thịt lợn phục vụ người tiêu dùng, Cục chăn nuôi đang đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hỗ trợ chi phí cho các doanh nghiệp mua lợn thịt chưa mắc bệnh, cấp đông nhằm đảm bảo bình ổn thị trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lo ngại, giải pháp trên có thể sẽ bị “phá sản” bởi người dân thành phố lâu nay quen với việc sử dụng thịt nóng (thịt mới giết mổ).
Sử dụng nguồn thịt "sạch" đã qua kiểm dịch là giải pháp hiệu quả ngăn dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe
Nhằm đảm bảo an toàn dịch, chủ động bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM cho biết: “Chúng tôi đang tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn nguồn thịt lợn không đáp ứng các điều kiện an toàn xâm nhập vào các chợ trên địa bàn. Trong bối cảnh hiện tại, người tiêu dùng cần nâng cao ý thức và trách nhiệm của mình, hãy nói không với thịt lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, chỉ mua bán, sử dụng nguồn thịt đã qua kiểm dịch”.
Theo Vân Sơn/Dân Trí